Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần từ 26-30/7, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng tăng 41,22 điểm (3,25%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index tăng 13,08 điểm (4,33%) lên 314,85 điểm. UPCoM-Index tăng 2,56 điểm (3,03%) lên 86,93 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau một vài tuần điều chỉnh thì đã hồi phục trở lại và là động lực chính giúp kéo các chỉ số đi lên. Trong số 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 2 mã giảm là VAB của Ngân hàng Việt Á (UPCoM: VAB) và SSB của SeaBank (HoSE: SSB) với mức giảm lần lượt 16,7% và 2,5%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc Dân (NCB; HNX: NVB) tăng đến 31,6% chỉ sau một tuần giao dịch.
Trong tuần, NCB họp ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 37%, qua chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong quý III-IV. Đồng thời, đại hội cũng bầu thành viên HĐQT với danh sách đề cử trình Ngân hàng Nhà nước. Kết thúc đại hội, cổ đông nhất trí bầu bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền vào thành viên HĐQT, nâng số lượng lên 5 thành viên, bên cạnh các nhân sự khác là ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Phạm Thế Hiệp, ông Kido Tamaki. HĐQT cũng đã họp bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Tiến Dũng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.
ACB của Ngân hàng Á Châu (HoSE: ACB) cũng tăng 9,5%. Động lực tăng của ACB đến từ kết quả kinh doanh quý II tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 3.248 tỷ đồng, tăng 71,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, trong tuần vừa qua, ACB là cổ phiếu được các quỹ ETF mua vào mạnh do cổ phiếu này lọt vào danh mục của 2 chỉ số VN30 và VNFIN Lead..
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng biến động tích cực và giúp các chỉ số đi lên. Trong top 30 vốn hóa chỉ có 2 mã giảm là VNM của Vinamilk (HoSE: VNM) và VJC của Vietjet (HoSE: VJC) nhưng mức giảm của 2 mã này đều không quá mạnh. Trong khi đó, MSN của Masan (HoSE: MSN) tăng đến 12,6%. Theo BCTC mới công bố, Masan lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 791 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước.
Những cái tên như MCH của Hàng Tiêu Dùng MaSan (UPCoM: MCH), GVR của Tập đoàn CN Cao su VN (HoSE: GVR), BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR)... cũng đồng loạt tăng giá.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là PTL của Petroland (HoSE: PTL) với 38,3%. Đáng chú ý, PTL đang có chuỗi tăng điểm ấn tượng khi tăng từ chỉ 4.330 đồng/cp (14/7) lên 8.300 đồng/cp (30/7), tương ứng mức tăng 92%.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Tiếp sau đó, cổ phiếu DAH của Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HoSE: DAH) cũng tăng 20,1%. Theo BCTC mới được công bố, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế gần 7 tỷ đồng trong quý II, tăng đáng kể sov với mức chỉ 507 triệu đồng của cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm 61% xuống còn hơn 1,45 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là VC2 của Đầu tư và Xây dựng VINA2 (HNX: VC2) với mức tăng 40,6%. Theo công bố mới đây, hai cổ đông lớn của doanh nghiệp là ông Nguyễn Quang Lân và Đỗ Thị Minh đã bán lần lượt 1,1 triệu cổ phiếu và 817.100 cổ phiếu.
NVB là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng cũng là mã tăng mạnh thứ 2 ở sàn HNX.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Tại sàn UPCoM, đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất đều nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Cổ phiếu tăng mạnh nhất là VLP của Công trình Công cộng Vĩnh Long (UPCoM: VLP) với 33,3%.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
Sàn HoSE ghi nhận 2 mã giảm trên 10% trong tuần qua là PSH của Thương mại ĐT Dầu khí Nam Sông Hậu (HoSE: PSH) và NHH của Nhựa Hà Nội (HoSE: NHH) với lần lượt 10,5% và 10%. Cổ phiếu PSH đi xuống bất chấp kết quả kinh doanh tích cực. Quý II, doanh nghiệp này đạt 52,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với khoản lỗ 26,3 tỷ đồng hồi quý II/2020.
Còn về Nhựa Hà Nội, lợi nhuận sau thuế quý II giảm 20% so với cùng kỳ xuống mức 8,6 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Cổ phiếu VTH của Dây cáp điện Việt Thái (HNX: VTH) giảm giá mạnh nhất sàn HNX với 26,7%. Công ty này báo lãi sau thuế quý II đạt hơn 2,4 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Bên cạnh đó, cổ phiếu L43 của LILAMA 45.3 (HNX: L43) với mức giảm 25%. Thanh khoản của L43 duy trì ở mức rất thấp. Trong tuần, L43 chỉ có 2 phiên xuất hiện giao dịch khớp lệnh và đều giảm sàn.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu duy nhất giảm giá trần 30 là SPC của BV Thực vật Sài Gòn (UPCoM: SPC) với 30,8%. Tuy nhiên, thanh khoản của SPC là rất thấp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.