Theo VASEP, việc ngừng trệ sản xuất tại các nhà máy chế biến thủy sản sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa ký công văn gửi các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về việc xem xét ưu tiên cho người lao động tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Theo VASEP, Chính phủ, Bộ Y tế với lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai quyết liệt nhiều hoạt động, biện pháp để sớm kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi hoạt động xuất khẩu.
Lo đứt gãy nguồn lực lao động
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang đóng vai trò quan trọng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống nhà máy không tách rời với sản xuất của cả chuỗi thủy sản bao gồm lực lượng đông đảo nông dân nuôi trồng và ngư dân khai thác biển.
Vì vậy, lãnh đạo VASEP cho rằng việc ngưng trệ sản xuất hoàn toàn hoặc chỉ sản xuất được một phần nhỏ công suất kéo dài, sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến doanh nghiệp mà cả đông đảo người nuôi trồng thủy sản. Hàng loạt nguy cơ được VASEP đặt ra là mất khách hàng nhập khẩu, đứt gãy nguồn lực lao động, thiếu hụt nguyên liệu… và sẽ rất khó khăn cho việc phục hồi sản xuất.
Theo tổng hợp phản ánh của hiệp hội từ các doanh nghiệp thủy sản thành viên trong phạm vi của tỉnh Hậu Giang, VASEP thấy rằng người lao động trong các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản tại tỉnh này có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 còn khiêm tốn. Trong khi đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể cố gắng cùng chính quyền xây dựng phương án sản xuất phù hợp nhất.
“Điều này khiến cho tỷ lệ duy trì công suất chế biến thủy sản của Hậu Giang (Công ty Minh Phú, Việt Hải, Cafatex, Phú Thạnh...) đang khá thấp so với các tỉnh lân cận”, lãnh đạo VASEP nhận định.
Theo ông Trương Đình Hòe, VASEP đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác phòng chống dịch Covid-19, bao gồm cả hướng dẫn tổ chức sớm theo phương thức “3 tại chỗ”. Hiệp hội chia sẻ với các khó khăn chung của cả nước và tỉnh miền Tây này trong công tác vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, bao gồm cả nguồn vaccine phân bổ từ Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu kép, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp thủy sản có thêm trợ lực để sớm phục hồi sản xuất - xuất khẩu, VASEP đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh miền Tây chỉ đạo Sở Y tế ưu tiên tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động của các doanh nghiệp thủy sản.
"Nếu công nhân thủy sản tiêm được vaccine sớm và đầy đủ thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn làm nhiều hơn, nhanh hơn. Từ đó, người nuôi thủy sản sẽ không bị ảnh hưởng", ông Trương Đình Hòe chia sẻ với Zing.
Lao động trở lại doanh nghiệp giảm
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, qua khảo sát 101 doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực tại miền Tây cho thấy số quay trở lại hoạt động đang giảm dần. Trong khi đó thực tế có sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Với sự quay trở lại của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2021, miền Tây chỉ có 1.523 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 4,57% so với cùng kỳ), 1.796 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 11,41%), 4.030 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 67,71%) và 955 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 27,33%).
Theo VCCI Cần Thơ, lượng công nhân quay trở lại doanh nghiệp đang giảm vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Xuân Trường.
Tác động của dịch Covid-19 lần này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Cụ thể, tổng doanh thu của quý I/2021 giảm 40,4%, lượng đơn đặt hàng mới giảm 41,3% so với quý 1/2021.
Trên 50% doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch doanh thu ở mức 50-75%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất một số chính sách như hỗ trợ vaccine để tiêm cho công nhân; giãn, hoãn thuế; giảm lãi suất ngân hàng... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang chủ động tìm kiếm cơ hội, đối tác kinh doanh mới để ổn định và phát triển sản xuất.
Nói với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, cho biết địa phương rất quan tâm đến các nhóm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Trong đó có doanh nghiệp, kể cả chế biến thủy sản vì đây là cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung đông người.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt, tránh đứt gãy nguồn lực lao động và các chuỗi sản xuất, tỉnh Hậu Giang tổ chức xét nghiệp cho tất cả công nhân doanh nghiệp nhận vào và cách ly 3 ngày.
"Ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, hoạt động cầm chừng. Sau khi công nhân hoàn thành cách ly 3 ngày sẽ được xét nghiệm lần nữa, nếu âm tính sẽ cho vào làm việc để đảm bảo cho chuỗi giá trị sản xuất nông, thủy sản", ông Đồng Văn Thanh nói.