Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường nước ngoài dần hồi phục kinh tế.
KCN An Phát 1 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bắt đầu xây dựng hạ tầng và nhận cọc 15% phần diện tích, dự kiến bàn giao từ nay tới hết năm.
Nửa đầu năm, An Phát Holdings (HoSE:
APH) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi doanh thu đạt 6.401 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 139 tỷ đồng, tăng 29%.
Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) cho rằng kết quả kinh doanh nửa cuối năm của An Phát Holdings tiếp tục tăng trưởng bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 với 2 động lực chính. Thứ nhất, mảng bất động sản khu công nghiệp (KCN) tăng trưởng trở lại nhờ vào doanh thu diện tích Complex còn lại và dự án An Phát 1 bắt đầu bán thương mại từ quý III, IV. Thứ 2, sản lượng sản xuất bao bì nhựa tiếp tục tăng nhờ vào việc tăng xuất khẩu đến thị trường Mỹ và đóng góp từ bao Jumbo của Công ty nhựa bao bì An Vinh.
Trước đó, vào tháng 6,
APH và quỹ đầu tư Actis đã ký thỏa thuận hợp tác trong 2 lĩnh vực gồm phát triển khu công nghiệp và nhà xưởng, kho bãi cho thuê. Theo đó, Actis đầu tư hơn 20 triệu USD vào KCN An Phát 1 để sở hữu 49% cổ phần. Ngoài ra, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dự án mở rộng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi trị giá lên tới 250 triệu USD, mở ra cơ hội lớn cho An Phát Holdings trong việc phát triển mảng KCN thời gian tới. Việc hợp tác với Actis và kế hoạch phát triển hơn 1.000 ha đất KCN dự báo sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận ổn định cho An Phát Holdings trong thời gian từ nay cho tới năm 2030.
Cụ thể, KCN An Phát 1 là dự án thuộc Công ty cổ phần KCN Kỹ thuật cao An Phát 1, công ty con của Nhựa An Phát Xanh (HoSE:
AAA) - thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings. KCN An Phát 1 có diện tích 180 ha, tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, dự kiến đem về 2.800 tỷ đồng doanh thu trong 5 năm tới. Hiện tại, KCN đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bắt đầu đi vào xây dựng hạ tầng và nhận cọc 15% phần diện tích, dự kiến bàn giao cho khách từ nay tới hết năm.
Nửa đầu năm, doanh thu từ cho thuê đất và nhà xưởng của An Phát Holdings đạt 122 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ. Doanh thu tăng mạnh nhờ vào việc công ty hoàn thành bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư đã đặt cọc trong năm 2020 sau khi tình hình Covid-19 trên địa bàn tỉnh và Việt Nam được kiểm soát cơ bản, nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
KCN An Phát 1 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và bắt đầu xây dựng hạ tầng.
Với mảng bao bì, 6 tháng, doanh thu kinh doanh bao bì đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 16% nhờ vào giá hạt nhựa PE tăng hơn 20% (quý I) và gia tăng sản lượng. Công ty đã đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường bao bì màng mỏng để tăng sản lượng. Trong đó, xuất khẩu bao bì màng mỏng sang thị trường Mỹ tăng 50% và châu Âu tăng 14%. Mảng mới - bao bì công nghiệp cũng có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ lớn, trên 65% sản lượng.
Theo SBSI, việc tập trung vào thị trường xuất khẩu tại thời điểm dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam giúp An Phát Holdings duy trì đang tăng trưởng trong bối cảnh các thị trường nước ngoài dần hồi phục kinh tế, giảm rủi ro công nợ do tỷ lệ bán hàng nội địa thấp.
Doanh thu thương mại hạt nhựa nửa đầu năm đạt 3.162 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do sản lượng thương mại tăng 62% đạt 134.000 tấn và giá hạt nhựa cũng tăng mạnh hồi đầu năm. Lợi nhuận gộp mảng thương mại hạt nhựa đạt 180 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, một phần nhờ tập trung mô hình back-to-order thay vì tích trữ hàng tồn kho từ cuối năm 2020.
Với mảng nguyên liệu nhựa thông qua hoạt động của công ty con – An Tiến Industries (HoSE: HII), đơn vị tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ bột đá sang sản xuất hạt phụ gia giá trị cao, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp, tăng từ 21% lên 32%. Lợi nhuận gộp mảng nguyên liệu nhựa lũy kế 6 tháng đạt 99 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng nguyên liệu xanh, An Phát Holdings thông qua CTCP Sản xuất PBAT An Phát sẽ khởi công nhà máy xây dựng nguyên liệu xanh lớn nhất Đông Nam Á vào cuối năm 2021, khởi đầu cho một kỷ nguyên tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm sinh học từ nguyên vật liệu tới thành phẩm của hệ sinh thái An Phát Holdings.
Mảng nhựa kỹ thuật và xây dựng có sự tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nhờ có sự đóng góp của mảng nhựa xây dựng (thông qua việc mua lại CTCP Vật liệu Xây dựng Công nghệ cao An Cường vào cuối năm 2020). Nhà máy An Cường có công suất thiết kế 4 triệu m2 sàn SPC, định hướng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, dự kiến đem lại doanh thu trung bình tháng là 60 tỷ đồng khi chạy 100% công suất vào năm 2021. Biên lợi nhuận ròng mảng sản xuất này trung bình khoảng 7%, cao hơn so với biên lợi nhuận mảng nhựa ép truyền thống.