Cổ phiếu ngân hàng hồi phục phiên thứ hai sau khi điều chỉnh về mức giá giữa tháng 7.
Hiệp hội ngân hàng đang đề xuất nhiều ý kiến trong dự thảo sửa đổi thông tư về cơ cấu nợ.
Hiệp hội ngân hàng muốn NHNN báo cáo Chính phủ tương lai nợ xấu đột biến để có chính sách riêng hỗ trợ.
Phiên 30/8, có 26/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng, riêng SHB giảm 1,4% xuống 27.500 đồng/cp. LPB dẫn đầu tăng trần 6,9% lên 23.300 đồng/cổ phiếu, sau khi giảm 9% trong tuần trước. Các mã lên giá tiếp theo gồm CTG, BVB, EIB cùng tăng 3,7%. Các cổ phiếu khác như ABB, TCB, STB và NAB tăng hơn 2%. Ở nhóm dưới nhiều mã tăng trên 1% như ACB, VCB, BID, OCB...
MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch với hơn 15,8 triệu đơn vị được "trao tay". Trong đó, khối ngoại mua ròng hơn 2,2 triệu cổ phiếu. CTG có hơn 13,2 triệu đơn vị giao dịch và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,2 triệu đơn vị. STB cũng được mua ròng hơn 1 triệu đơn vị, theo sau là VCB hơn 700.000 cổ phiếu và HDB hơn 100.000 đơn vị.
Giá đóng cửa cổ phiếu ngân hàng ngày 30/8. Ảnh: Chụp màn hình.
Phiên cuối tuần trước, cổ phiếu nhóm ngân hàng hồi phục nhẹ sau khi giảm 7-11% sau 3 phiên từ 19/8, quay về mức giữa tháng 7, khi thị trường điều chỉnh. Đà giảm của cổ phiếu ngân hàng đi cùng xu hướng chung của thị trường. VN-Index lao dốc ngày thứ 2 liên tiếp, giảm hơn 30 điểm, xuống 1.298,86 điểm sau khi có thông tin TP HCM thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, việc ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, sẽ làm giảm biên lợi nhuận trong nửa cuối năm và những tiềm ẩn nợ xấu được cho là lý do nhà đầu tư e ngại khi mua vào nhóm cổ phiếu này.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN, thay thế Thông tư 02/2013 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Đồng thời, cơ quan này cũng đang lấy ý kiến với đề nghị xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD. Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 01 và Thông tư 03 về cơ cấu nợ cũng đang được xem xét.
Những bước đi này cho thấy NHNN đang tích cực hoàn thiện và cập nhật các văn bản pháp lý tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý nợ xấu tiềm ẩn nếu có trong tương lai, giữa bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt.
Trong góp ý dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất NHNN nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (TCTD) ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến, từ đó đề nghị Chính phủ ban hành một Nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TCTD bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trường hợp NHNN căn cứ vào nghị quyết chung của Chính phủ để ban hành Thông tư liên quan đến các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai, thực chất là nợ dưới chuẩn nhưng không bị phân loại nhóm nợ cao hơn, hiệp hội cho rằng nên quy định mang tính an toàn hệ thống (loại dự thu, trích dự phòng rủi ro 3 năm). Các nội dung khác để các TCTD tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì không ai hiểu khách hàng bằng chính ngân hàng.