26,5 cổ phiếu
TOS sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 8/9.
Giá
TOS chào sàn trong ngày giao dịch đầu tiên là 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt 848 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có văn bản chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu
TOS của CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (UPCoM:
TOS). Ngày 8/9 là ngày giao dịch đầu tiên của 26,5 triệu cổ phiếu
TOS, giá trị đăng ký giao dịch là 265 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa khi chào sàn đạt 848 tỷ đồng. Biến động giá phiên đầu tiên là +- 40%.
Theo BCTC 6 tháng đầu năm, Dịch vụ biển Tân Cảng ghi nhận doanh thu thuần đi ngang ở mức 630 tỷ đồng. Cộng thêm lãi bán cổ phần ICD Quế Võ mang về gần 6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu 1.049 tỷ đồng doanh thu và 130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 5% và 8% so với thực hiện năm ngoái. Với kết quả bán niên, công ty hoàn thành 60% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận
Dịch vụ biển Tân Cảng thành lập năm 2012, là đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Khác với các công ty cùng nhóm “Tân Cảng” đang niêm yết trên sàn chuyên kinh doanh kho vận và ICD, Dịch vụ biển Tân Cảng lấy định hướng khai thác, quản lý đội tàu dịch vụ cho ngành dầu khí làm nền tảng. Cụ thể, một số hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể kể đến như cung cấp tàu dịch vụ dầu khí; vận chuyển, lắp đặt công trình dầu khí biển; khảo sát công trình ngầm; lai dắt và cứu hộ cứu nạn; quản lý khai thác cảng, đầu tư tài chính…
Dịch vụ biển Tân Cảng cũng sở hữu 4 công ty con và liên kết với ngành nghề đa dạng như cung cấp dịch vụ khách sạn, đại lý du lịch, vận tải đường thủy, xây dựng cảng… Đội tàu dịch vụ của công ty gồm 19 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại, có khả năng hỗ trợ chiến dịch khoan, thăm dò, khai thác dầu khí, cứu hộ cứu nạn… Đơn vị còn sở hữu 2 sà lan phục vụ các công tác vận chuyển công trình biển và 2 thiết bị khảo sát ngầm. Trong năm nay, doanh nghiệp tiếp tục triển khai trẻ hóa đội tàu thông qua thanh lý các tàu cũ, độ tuổi cao như TC 69, TC Princess, TC 63 và đầu tư các tàu mới với trang thiết bị hiện đại và tuổi đời ít hơn 10 năm.
Chi tiết một số tàu dịch vụ của Dịch vụ biển Tân Cảng. Nguồn: BCTN năm 2020 của Dịch vụ biển Tân Cảng
Đơn vị cũng dự kiến phát triển dự án cảng dịch vụ Dầu khí Hòn Chông, Kiên Giang; tìm kiếm đầu tư thêm các cơ sở hạ tầng bến bãi, cảng sông/ cảng biển có vị trí chiến lược để đưa vào khai thác tại khu vực Long Sơn – Bà Rịa Vũng Tàu và khu công nghiệp Nghi Sơn – Thanh Hóa. Ngoài ra, công ty lên kế hoạch phát triển thêm tại thị trường mới trong nước và khu vực như Thái Lan, Myanmar, Malaysia; hoàn thiện việc đầu tư xây dựng 9 ha tại ICD Tân Cảng Quế Võ, Bắc Ninh và chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược PSA – Singapore.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 30/6, Tân Cảng Sài Gòn là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 35,28%, tương đương hơn 9,3 triệu cổ phần. Tại ĐHCĐ thường niền 2021, cổ đông công ty đã thông qua phương án phát hành thêm hơn 4,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và chào bán 298.125 cổ phiếu với giá 10.000 đồng cho nhà đầu tư dự kiến là Tân Cảng Sài Gòn. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 265 tỷ lên 310 tỷ đồng.