BVSC dẫn chia sẻ ban lãnh đạo của TPBank, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chuyên nghiệp.
BVSC dự báo lợi nhuận TPBank sẽ tăng trưởng kép bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2022 là 31,8%.
Trong báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVCS) cập nhật về TPBank (HoSE:
TPB) dẫn chia sẻ ban lãnh đạo ngân hàng là giá phát hành riêng lẻ dự kiến bằng bình quân thị giá cộng premium (phần bù, thặng dư). Cổ đông đã thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu, tương đương 9,33% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cho các nhà đầu tư chiến lược và chuyên nghiệp. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc phát hành thành công sẽ giúp TPBank gia tăng vốn Cấp 1, củng cố tiềm năng tăng trưởng tín dụng cho các năm tới.
Đẩy mạnh CASA, duy trì NIM ở mức cao
Ban lãnh đạo kỳ vọng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nửa cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ ổn định ở mức cao trong khoảng 4,5-4,7%.
Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ tư tại Việt Nam, TPBank đang áp dụng một số gói ưu đãi cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi, do đó dự đoán lãi suất đầu ra có thể giảm 30-40 điểm cơ bản trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng chi phí vốn rẻ nhờ việc huy động tích cực trong nửa đầu năm và kỳ vọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng, sẽ bù đắp cho việc giảm lãi suất cho vay.
BVSC nhận thấy ba yếu tố có thể giúp TPBank duy trì NIM trong thời gian tới. Thứ nhất là tối ưu hóa hơn nữa tỷ lệ dự nợ cho vay/huy động (LDR) vốn đang thấp, hiện tại là 64,8%. Thứ hai là thâm nhập sâu hơn vào các phân khúc có lợi suất cao hơn như cho vay mua nhà thế chấp, nhờ tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho các khoản vay trung và dài hạn hiện ở mức thấp 17,5%. Yếu tố cuối cùng là cải thiện CASA, đặc biệt là ở mảng ngân hàng cá nhân nhằm duy trì tăng trưởng CASA bền vững hơn, trong khi đó cũng cải tiến hệ thống ngân hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ để thu hút nhiều khách hàng hơn và tiền gửi.
Tăng bao phủ nợ xấu
Cuối quý II, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt của TPBank cũng đạt kỷ lục mới, gần 150%. Nợ xấu nhóm 3-5 ở mức 1,15%, giảm 4 điểm cơ bản so với quý trước và 3 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do khối khách hàng doanh nghiệp có xu hướng tăng, trong khi nợ xấu từ khách hàng cá nhân vẫn ở mức kiểm soát. Dư nợ tái cấu trúc giảm 27% so với cuối tháng 3, xuống mức 1.268 tỷ đồng. Ngân hàng ước tính tổng chi phí dự phòng theo Thông tư 03 là hơn 400 tỷ.
TPB đã trích khoảng 30% trong quý II như theo quy định và để ngõ khả năng sẽ trích đầy đủ trong năm nay nếu tình hình dịch kiểm soát tốt hơn.
BVSC dự báo lợi nhuận TPBank sẽ tăng trưởng kép bình quân hàng năm (CAGR) giai đoạn 2020-2022 là 31,8%. Năm 2021, BVSC dự báo lãi trước thuế của TPBank tăng 36% đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do việc giảm dự phóng chi phí hoạt động bù đắp nhiều hơn tăng dự báo chi phí dự phòng.
Ở kịch bản cơ sở dịch kiểm soát tốt hơn vào cuối tháng 8, BVSC kỳ vọng hoạt động cho vay sẽ cải thiện đáng kể vào tháng 9 và kỳ vọng phục hồi ý nghĩa hơn vào mùa cao điểm vào quý IV.
Cho năm 2022, BVSC nâng dự báo lợi nhuận trước thuế thêm 9,3% so với dự báo trước lên 7.500 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ vọng thu nhập từ lãi tiếp tục tăng nhờ thúc đẩy tín dụng và NIM tốt hậu Covid-19. Trong khi đó, việc mở rộng tập khách hàng bền vững sẽ giúp gia tăng các cơ hội bán chéo thúc đẩy tăng trưởng ngoài lãi.