Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 13/9, bao gồm HSG, FMC và PVS.
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/9): HSG, FMC và PVS
Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ HSG
Quý III niên độ tài chính 2020-2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE:
HSG) ghi nhận doanh thu thuần 13.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.702 tỷ đồng, lần lượt tăng 87% và 435% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 3 quý đầu niên độ tài chính 2020-2021,
HSG đã cán đích kế hoạch doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh là nhờ giá bán tăng khoảng 30% cùng kỳ, trong khi sản lượng tăng 56%. Lợi nhuận tăng mạnh còn nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh và khoản lãi từ hoạt động đầu tư 107 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá xuất khẩu các sản phẩm thép đang cho thấy dấu hiệu tích cực trong khi thị trường trong nước đang hạ nhiệt. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ ngành thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 72,5%.
Tính riêng mảng tôn mạ, sản lượng tiêu thụ trong nước giảm 5,4% cùng kỳ, trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 133% và chiếm 57,5% tổng lượng tôn tiêu thụ tôn mạ. Gần đây, Trung Quốc đã tăng thuế xuất khẩu đối với gang thép và giảm thuế nhập khẩu thép từ 1/8/2021. Điều này khiến nguồn cung trong nước tăng lên khiến giá thép nội địa giảm.
Tuy nhiên, Yuanta cho rằng giá thép thế giới vẫn sẽ neo ở mức cao và khó giảm mạnh do nhu cầu đầu tư công ở các nước khác là rất lớn. Bằng chứng là việc giảm nguồn cung thép từ Trung Quốc vừa qua đã khiến giá thép khu vực châu Âu và châu Mỹ vẫn đang tăng vượt đỉnh.
Theo đó, nhu cầu thép cao từ các quốc gia khác sẽ bù đắp phần sụt giảm của thị trường Trung Quốc đối với
HSG và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hấp dẫn cho trung hạn.
Trên thị trường, mức Stock Rating của
HSG ở mức 96 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của
HSG đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch duy trì trên mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên.
Đồng thời, đồ thị giá của
HSG vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn có thể tiếp tục mở rộng các mức cao mới với mục tiêu ngắn hạn 50.730 đồng/cổ phiếu. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể duy trì vị thế mua và nắm giữ.
VDSC: Khuyến nghị tích lũy đối với FMC
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tháng 8/2021, doanh thu xuất khẩu tôm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE:
FMC) giảm mạnh 56% so với cùng kỳ năm ngoái, do công suất hoạt động thấp trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt ở phía Nam.
Tuy nhiên,
FMC đã không còn áp dụng quy tắc “3 tại chỗ” kể từ cuối tháng 8 và dự kiến sẽ phục hồi về mức công suất bình thường từ giữa tháng 9.
Ngoài ra, VDSC kỳ vọng việc tăng giá bán và chi phí tôm nguyên liệu giảm sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp của FMC trong nửa cuối năm 2021 (tăng 370 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt mức 13,7%).
Trong quý III, công ty chứng khoán này dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC lần lượt là 1.363 tỷ đồng (giảm 16% cùng kỳ) và 61 tỷ đồng (giảm 14%). Cả năm 2021, VDSC dự báo doanh thu lần lượt là 4.961 tỷ đồng (tăng 12%) và lợi nhuận sau thuế là 250 tỷ đồng (tăng 11% cùng kỳ).
EPS tương ứng năm 2021 là 4.212 đồng và PER dự phóng năm 2021 là 11,2 lần. VDSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 16% so với mức định giá gần nhất lên 47.000 đồng/cổ phiếu do tăng dự phóng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021 - 2022 thêm 22% so với dự phóng trước đó nhờ công suất phục hồi sớm hơn dự kiến và giá bán tăng.
Với mức cổ tức tiền mặt dự kiến trong 12 tháng tới là 2.000 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời sẽ đạt 10% tính theo giá đóng cửa ngày 10/9. Vì vậy, VDSC khuyến nghị tích lũy đối với FMC.
PSI: Khuyến nghị nắm giữ dành cho PVS
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX:
PVS) đạt được 5.670 tỷ đồng doanh thu, giảm 35% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi khối lượng công việc của mảng M&C và doanh thu lớn của màng FSO/FPSO trong năm 2020.
Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận từ các công ty thành viên/liên doanh liên kết đạt 307 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ)
PVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 335 tỷ đồng, giảm 18,7% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm,
PVS hoàn thành được gần 57% kế hoạch doanh thu và 67% kế hoạch lợi nhuận.
Năm 2021, doanh thu được Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự phóng có thể đạt mức 15.237 tỷ đồng, nhờ nửa sau cuối năm sẽ có nhiều công việc hơn với mảng doanh thu chính – mảng M&C, khi đã có các gói thầu ký mới cùng các dự án đang tiếp tục thực hiện đặc biệt trong bối cảnh giá dầu tăng tích cực và ở nền giá cao, góp phần thúc đẩy lại nhu cầu với các dự án dầu khí.
Mảng FSO/FPSO sẽ tiếp tục là mảng có hoạt động tích cực và ổn định trong nửa cuối năm. Nguồn công việc được duy trì với những gói thầu được nhận và ký mới tại 2 dự án cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR phục vụ dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (Thang Long Wind) với Tập đoàn Enterprize Energy (EE) và gói thầu Gallaf giai đoạn 3 (gói 05): thiết kế, mua sắm, chế tạo, tiền chạy thử, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối chạy thử.
PSI khuyến nghị nắm giữ PVS với giá mục tiêu 12 tháng là 28.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 2021 đạt 22,17 lần với triển vọng từ các dự án dầu khí và nhu cầu sử dụng kho chứa dầu FPO/FPSO khá cao trong nửa cuối năm.