Phố Wall khởi đầu tuần mới chìm sâu trong sắc đỏ, nhà đầu tư tiếp tục chọn đứng ngoài thị trường trong bối cảnh xuất hiện nhiều rủi ro
Lúc 10h52 EDT (21h52 giờ Hà Nội), Dow Jones giảm 514,65 điểm, tương đương 1,49%, xuống 34.070,23 điểm, trên đà có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/7.
S&P 500 giảm 71,89 điểm, tương đương 1,62%, xuống 4.361,1 điểm.
Nasdaq giảm 324,04 điểm, tương đương 2,15%, xuống 14.719,93 điểm, mất mốc 15.000 điểm.
Ảnh: Reuters.
Theo CNBC, có nhiều lý do dẫn đến xu hướng bán tháo này.
Nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng phạm vi rộng trên thị trường tài chính thế giới từ thị trường bất động sản Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Hong Kong hôm nay bị bán tháo mạnh. Chỉ số Hang Seng giảm hơn 3%, cổ phiếu công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande giảm 10,24%, trong phiên có lúc mất tới 17% vì nguy cơ vỡ nợ.
Fed trong tuần họp chính sách hai ngày 21 và 22/9. Nhà đầu tư lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phát tín hiệu sẵn sàng siết chính sách hỗ trợ trong bối cảnh lạm phát tăng và thị trường việc làm còn đang phục hồi.
Số ca Covid-19 do biến chủng Delta gây ra vẫn ở mức xấp xỉ tháng 1 trong khi mùa đông đang đến gần tại Bắc Mỹ.
Tháng 9 thường là tháng thị trường diễn biến kém nhất trong năm, trung bình giảm 0,4%, theo Stock Trade’s Almanac. Lịch sử cho thấy xu hướng bán tăng trong nửa cuối tháng 9.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về thế bế tắc ở Washington khi hạn chót để nâng trần nợ công đến gần. Quốc hội Mỹ đang họp trở lại để thông qua dự luật tài trợ sớm nhất có thể nhằm tránh chính phủ phải đóng cửa.
Nhóm cổ phiếu tăng trưởng toàn cầu hôm nay giảm nhiều nhất. Cổ phiếu năng lượng lao dốc theo giá dầu, WTI mất 2% vì lo ngại liên quan kinh tế thế giới.
Giá trái phiếu tăng vì nhà đầu tư tăng tìm đến tài sản an toàn, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống 1,325%. Cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh vì lãi suất giảm có thể ảnh hưởng lợi nhuận ngành.
“Chúng tôi nghĩ quá trình chuyển tiếp giữa chu kỳ sẽ kết thúc với S&P 500 điều chỉnh”, Mike Wilson, giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Morgan Stanley nói. “Chúng tôi cho rằng các nguy cơ gây ra xu hướng giảm là điều chỉnh lợi nhuận, niềm tin người tiêu dùng và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI)”.
Wilson tin một “kịch bản tàn phá” đang ngày càng có khả năng xảy ra, dẫn tới đợt điều chỉnh 20% hoặc hơn. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 của Đại học Michigan công bố hôm 17/9 là 71 điểm, chỉ cao hơn một chút so với tháng 8 – tháng thấp nhất 9 năm.
Chỉ số CBOE VIX đo sự sợ hãi trên Phố Wall vượt 26 điểm, cao nhất kể từ tháng 5.
“Chúng ta đang trong khoảng trống thông tin”, theo Jamie Cox của Harris Financial Group. “Thế bế tắc ở quốc hội Mỹ, lo ngại về thay đổi hoặc sai lầm trong chính sách tiền tệ và hàng loạt đề xuất tăng thuế làm giảm tâm trạng của nhà đầu tư. Khi những điều này xảy ra, thị trường điều chỉnh”.
Nhóm cổ phiếu phòng thủ vẫn diễn biến tốt. Pfizer, Walmart, Procter & Gamble và Merck đều giao dịch trong sắc xanh. Cổ phiếu hàng không tăng giá sau thông tin Mỹ sẽ nới lỏng hạn chế với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine Covid-19.
Một số nhà đầu tư tin đây chỉ là hành động bình thường của thị trường có thể xảy ra trong tháng 9.
“Lý do thị trường giảm phiên sáng nay cũng như tuần trước: lo ngại về Evergrande, Covid-19, Fed siết hỗ trợ, thuế có thể tăng… Không có thông tin gì mới trong cuối tuần”, Tom Essaye, nhà sáng lập Sevens Report, nhận định.
Các tài sản rủi ro khác cũng giảm. Hầu hết hàng hóa giao dịch trong sắc đỏ. Vàng nằm trong số ít tài sản tăng giá.
Như Tâm