Các thị trường trên thế giới bắt đầu tuần mới bằng hàng loạt diễn biến xấu và xuất hiện xu hướng tìm đến tài sản an toàn vì nhiều nguyên nhân, từ “quả bom nợ” Evergrande ở Trung Quốc, giá quặng sắt lao dốc cho đến lo ngại liên quan trần nợ tại Mỹ.
Hồi kết đối với các chủ nợ của công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande đang đến gần trong bối cảnh thị trường thận trọng trước cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này.
Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2,1% lúc 14h20 giờ London (20h20 giờ Hà Nội), trước đó có lúc giảm 2,5%, trên đà có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10. DAX của Đức giảm 2,6% với cổ phiếu ngân hàng và xe hơi diễn biến kém. Trong khi đó, S&P 500 futures đang thử thách mốc hỗ trợ trung bình động 50 ngày (MA50).
“Thị trường đang đi qua một con đường rất hẹp, chỉ được phép có sai lầm rất nhỏ”, Colin Finlayson, nhà quản lý đầu tư tại Aegon Asset Management, Edinburgh, Scotland, nói. “Bất kỳ bất ngờ nào – từ Trung Quốc, lây lan của biến chủng Delta hay Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed – đều sẽ là quá mức”.
Các chiến lược gia tại Morgan Stanley do Michael Wilson dẫn đầu cũng có quan điểm không mấy khả quan, cảnh báo khách hàng rằng S&P 500 có thể điều chỉnh 20% nếu xuất hiện tin xấu về điều chỉnh lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế.
Dưới đây là một số vấn đề chính mà nhà đầu tư đang phải đối mặt.
Evergrande
Sự tức giận liên quan Evergrande, công ty bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới, đang lan rộng trong bối cảnh các nhà lập chính sách cấp cao của Trung Quốc vẫn chưa có thông báo nào về việc chính phủ có can thiệp ngăn một vụ sụp đổ hỗn độn hay không. Điều này dẫn đến đợt bán tháo mạnh nhất với cổ phiếu bất động sản tại Hong Kong trong hơn một năm, kéo tụt mọi thứ từ ngân hàng cho đến công ty bảo hiểm, trái phiếu USD lợi suất cao.
Vốn hóa thị trường của Evergrande gần đây giảm mạnh.
Các khoản lãi với hai loại trái phiếu của Evergrande sẽ đến hạn thanh toán vào ngày 23/9, thử thách quan trọng để xác định công ty có tiếp tục đáp ứng được nghĩa vụ với chủ nợ hay không khi đã chậm thanh toán cho ngân hàng, bên cung ứng và chủ sở hữu các sản phẩm đầu tư liên quan trong nước.
Quặng sắt
Xu hướng bán tháo quặng sắt tiếp tục với giá quặng tương lai tại Singapore hôm nay giảm còn 95 USD/tấn bởi Trung Quốc tiếp tục kiểm soát nhu cầu thép. Giá quặng sắt giảm hơn 50% so với đỉnh lịch sử hồi tháng 5 với một số bên cảnh báo có thể về 70 USD/tấn.
Giá quặng sắt tương lai có thể giảm còn 70 USD/tấn.
Đường cong lợi suất
Cuộc họp của Fed tuần này là một trong những yếu tố có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn nữa. Nhà đầu tư kỳ vọng các quan chức Fed sẽ đưa ra tín hiệu về kế hoạch siết mua trái phiếu và đã sẵn sàng cho sự thay đổi dự báo lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.
Diễn biến chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5/30 năm và điểm hòa vốn lạm phát của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Các bên môi giới lớn tham gia khảo sát của Bloomberg dự đoán lợi suất trung bình trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ cao hơn 30 điểm cơ bản vào cuối năm. Đường cong lợi suất đã phẳng đi đáng kể từ đầu đại dịch Covid-19, cho thấy vẫn có khả năng xuất hiện đợt tăng nhẹ.
Các thị trường mới nổi
Các quỹ phòng hộ ngày càng có quan điểm tiêu cực với thị trường chứng khoán mới nổi – được cho là nhạy cảm với việc Fed siết hỗ trợ. Các vị thế quỹ có đòn bẩy với chỉ số các thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets chuyển sang bán ròng lần đầu tiên sau hơn một năm, theo số liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
Chỉ số các thị trường đang phát triển giảm 8% trong quý III, diễn biến kém hơn so với chỉ số các thị trường phát triển khoảng 10 điểm phần trăm, chủ yếu do áp lực từ việc Trung Quốc siết kiểm soát với doanh nghiệp tư nhân.
Phố Wall
Diễn biến chỉ số S&P 500 và đường MA 50.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 8 trong số 10 phiên gần đây, mức giảm chỉ hơn 2%. Chỉ số này đang ở quanh MA50, nền hỗ trợ tốt trong năm nay. MA50 đang là chỉ báo kỹ thuật được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để chuẩn bị cho một tuần quan trọng hướng đến chốt quý.