15h00
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,64 điểm (-0,79%) xuống 1.339,84 điểm. Toàn sàn có 136 mã tăng, 275 mã giảm và 36 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,11 điểm (0,03%) lên 358,98 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 115 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,68 điểm (-0,7%) xuống 96,77 điểm.
Giao dịch trong phiên chiều diễn ra không quá sôi động khiến thanh khoản cả phiên giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.628 tỷ đồng, giảm 5,5%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 4,3% xuống 21.950 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 400 tỷ đồng trên HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
14h25
Nhóm cổ phiếu than sau khoảng thời gian điều chỉnh ở phiên sáng thì đã có sự hồi phục và bứt phá trở lại.
Trong đó, TC6, THT, MDC, TDN, NBC và TVD đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HLC tăng 9,4%, CST tăng 5,9%, TMB tăng 5,5%.
14h10
Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu có phần dâng cao và giúp nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thu hẹp đà giảm, từ đó, các chỉ số cũng không còn giảm điểm mạnh như trước. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như BVH, VIB, MSN, MWG, SAB... cũng đồng loạt tăng giá và giúp nâng đỡ thị trường chung,
Hiện tại, VN-Index giảm 5,93 điểm (-0,44%) xuống 1.344,55 điểm. HNX-Index giảm 0,43 điểm (-0,12%) xuống 358,44 điểm. UPCoM-Index giảm 0,79 điểm (-0,81%) xuống 96,66 điểm.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 18,19 điểm (-1,35%) xuống 1.332,29 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 342 mã giảm và 28 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,5 điểm (-0,98%) xuống 355,37 điểm. Toàn sàn có 47 mã tăng, 184 mã giảm và 39 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,45 điểm (-1,49%) xuống 96 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.356 tỷ đồng, tăng 13% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 16% lên 14.679 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 130 tỷ đồng trên HoSE phiên sáng nay. Trong đó, dòng vốn này bán ròng tập trung các mã như FUEVFVND, HPG, VIC, VRE...
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
10h20
Một số cổ phiếu thuộc nhóm midcap vẫn giao dịch tích cực như DGC, SAM, SCR, NT2, ITA hay VIB... Trong đó, DGC tăng mạnh 5,6% lên 155.800 đồng/cp bất chấp những rung lắc của thị trường chung. NT2 tăng 1,5% lên 20.850 đồng/cp.
Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) thông báo ngày 30/9 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền, tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Thời gian thanh toán là 28/10, tổng số tiền khoảng 288 tỷ đồng.
10h10
HDA giảm 2,1% xuống 23.400 đồng/cp. HĐQT Hãng sơn Đông Á (HNX: HDA) thông qua việc triển khai phát hành 11,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền 100%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được quyền mua 1 cổ phiếu mới. Vốn điều lệ dự kiến gấp đôi lên 230 tỷ đồng. Thời gian đăng ký mua cổ phiếu dự kiến từ quý IV/2021 đến quý I/2022, sau khi UBCK chấp thuận.
9h40
Bất chấp biến động tiêu cực của thị trường chung, các cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái Louis" vẫn đua nhau bứt phá. Trong đó, TDH, AGG hay VKC vẫn được kéo lên mức giá trần. SMT tăng 5,8%, DDV tăng 4%, APG tăng 1,1%, BII tăng 1%. Dù vậy, GKM và AGM không giữ được sự tích cực. GKM giảm 2,9% còn AGM bị kéo xuống mức giá sàn.
Louis Capital (HoSE: TGG) vừa đăng ký bán toàn bộ 838.000 cổ phiếu Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 4,6% về còn 0%. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 23/9 đến 20/10, qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
9h30
Tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ qua bi quan trước diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới. Ngày từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán đã bị đẩy lên mức cao và khiến sắc đỏ bao trùm thị trường. Hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn như HVN, GVR, VRE, FPT, VHM, VIC, BID... đồng loạt giảm giá và gây áp lực rất lớn lên các chỉ số.
Bên cạnh đó, rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm midcap và smallcap (vốn hóa vừa và nhỏ) cũng đua nhau giảm giá như HT1, GTN, PC1, NLG, DIG, LPB...
Hiện tại, VN-Index giảm 13,32 điểm (-0,99%) xuống 1.337,16 điểm. Có thời điểm, chỉ số này giảm đến gần 16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 183 triệu cổ phiếu, trị giá 4.278 tỷ đồng. HNX-Index giảm 2,36 điểm (-0,66%) xuống 356,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,4 triệu cổ phiếu, trị giá 919 tỷ đồng. UPCoM-Index giảm 1,06 điểm (1,09%) xuống 96,39 điểm.
Thị trường tăng điểm tốt ở khoảng hơn nửa thời gian của phiên giao dịch ngày 20/9. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ tăng vọt sau đó đã khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới.
Điểm tích cực trong phiên 20/9 là khối ngoại chấm dứt chuỗi 16 phiên bán ròng liên tiếp trên HoSE, thay vào đó, dòng vốn này mua ròng trở lại 54 tỷ đồng.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự trong khoảng 1.375-1.380 điểm nếu giữ vững ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.350 điểm.
Theo Chứng khoán Agriseco, nhóm ngân hàng có thể nâng đỡ thị trường các phiên tới.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Phố Wall ngày 20/9 giảm sâu với S&P 500 và Nasdaq có ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 do lo ngại tác động tiềm ẩn liên quan nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande. Cụ thể, Dow Jones giảm 614,41 điểm, tương đương 1,78%, xuống 33.970,47 điểm. S&P 500 giảm 75,26 điểm, tương đương 1,7%, xuống 4.357,73 điểm. Nasdaq giảm 330,07 điểm, tương đương 2,19%, xuống 14.713,9 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 7 với Dow Jones, từ tháng 5 với S&P 500 và Nasdaq. S&P 500 hiện thấp hơn khoảng 4% so với đỉnh lịch sử ngày 2/9. Trong phiên, Nasdaq có lúc chạm đáy một tháng nhưng sau đó phục hồi một phần.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương giảm trong phiên 20/9. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1,6%. Thị trường Nhật Bản, Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc nghỉ lễ. Hang Seng của Hong Kong giảm 3,3%. Cổ phiếu tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande tiếp tục giảm 10,24%, trong phiên có lúc mất tới 17% vì nguy cơ vỡ nợ.
ASX 200 của Australia giảm 2,1% với cổ phiếu khai khoáng đi xuống.
Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2,1% lúc 14h20 giờ London (20h20 giờ Hà Nội), trước đó có lúc giảm 2,5%, trên đà có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10. DAX của Đức giảm 2,6% với cổ phiếu ngân hàng và xe hơi diễn biến kém. Trong khi đó, S&P 500 futures đang thử thách mốc hỗ trợ trung bình động 50 ngày (MA50).
Chốt phiên 20/9, giá dầu Brent, WTI đều giảm. Giá dầu Brent tương lai giảm 1,42 USD, tương đương 1,9%, xuống 73,92 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 73,52 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,68 USD, tương đương 2,3%, xuống 70,29 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 69,86 USD/thùng.