Quỹ DCVFM VNDiamond ETF với giá trị tài sản ròng là 12.819 tỷ đồng sẽ cân đối lại danh mục đầu tư trước ngày 29/10/2021. Tính toán của VNDirect cho thấy VIB là cổ phiếu sẽ được mua vào nhiều nhất với hơn 9 triệu cổ phiếu, cũng là cổ phiếu mất nhiều thời gian nhất để hoàn tất giao dịch. Ở chiều ngược lại, nếu LPB bị loại khỏi rổ chỉ số thì sẽ bị bán ra hơn 10 triệu cổ phiếu.
Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đang bị rút ròng trong thời gian vừa qua. Số lượng chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF sau một thời gian duy trì xu hướng tăng đã đổi chiều từ tháng 8/2021 khi số lượng chứng chỉ quỹ giảm 48,4 triệu trong giai đoạn từ 11/8 đến 17/9, tương đồng với giá trị rút ròng của VNDiamond ETF từ tháng 8/2021 đến tháng 9/2021 với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng.
VNDirect cho rằng dòng vốn ra khỏi VNDiamond ETF có thể đến từ PYN Elite Fund sau khi họ giảm tỷ trọng của VNDiamond ETF trong danh mục đầu tư từ 9,2% trong T6/21 xuống 2,9% vào tháng 8/2021.
Hồi tháng 6/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã công bố một số thay đổi trong Quy tắc chỉ số VNDiamond và dự kiến có hiệu lực vào kỳ xem xét vào tháng 10/2021. Quy định mới sẽ thắt chặt một số tiêu chí về thời gian niêm yết, vốn hóa, thanh khoản và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng chỉ số.
Quỹ DCVFM VNDiamond ETF quy mô nửa tỷ USD sẽ mua bán thế nào trong đợt tái cơ cấu mới?
Theo nhận định của VNDirect, LPB có thể bị loại khỏi rổ VNDiamond. Lý do là theo quy định mới, % tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa để tính tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của LPB là 20% (thay vì 5% như công ty quy định), do đó, tỷ lệ FOL mới của LPB ( = % tỷ lệ sở hữu nước ngoài / % tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa) chỉ đạt xấp xỉ 20% và không đáp ứng điều kiện để ở lại VNDiamond (tỷ lệ FOL> 80% đối với các cổ phiếu trong rổ trước đó).
VNDirect cho rằng TCM và CTD vẫn ở lại VNDiamond, do 2 cổ phiếu này đã duy trì mức vốn hóa thị trường đã điều chỉnh freefloat lớn hơn 2.000 tỷ đồng để vượt qua điều kiện sàng lọc giá trị vốn hóa trong quy tắc mới.
Ngoài ra, một số cổ phiếu sẽ được giảm tỷ trọng trong chỉ số do thêm điều kiện mới. Cụ thể, trong lần xem xét này, hệ số thanh khoản mới sẽ được áp dụng vào trong công thức tính chỉ số, dẫn đến những cổ phiếu có hệ số thanh khoản thấp hơn sẽ bị giảm tỷ trọng khi tính chỉ số VNDiamond. Theo đó, tỷ trọng của EIB, VIB, MWG và PNJ trong tính toán chỉ số có thể sẽ giảm do tỷ lệ thanh khoản thấp.
LPB có thể bị loại khỏi danh mục VNDiamond
Rổ chỉ số VNDiamond mới sẽ được công bố vào ngày 18/10/2021 sắp tới và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2021. Dựa trên kết quả sàng lọc trên, quỹ DCVFM VNDiamond ETF, với giá trị tài sản ròng là 12.819 tỷ đồng, sẽ cân đối lại danh mục đầu tư của mình trong phiên giao dịch trước ngày hiệu lực (29/10/2021).
Tính toán của VNDirect cho thấy có 4 cổ phiếu sẽ được mua vào hàng triệu cổ phiếu bao gồm: VIB (hơn 9 triệu cổ phiếu), TCB (hơn 4,5 triệu cổ phiếu), MSB (hơn 3,8 triệu cổ phiếu), GMD (hơn 3,3 triệu cổ phiếu), TCM (hơn 1,7 triệu cổ phiếu).
Ở chiều ngược lại, LPB bị bán toàn bộ hơn 10 triệu cổ phiếu; kế đó là MBB có thể bị bán hơn 4,7 triệu cổ phiếu, FPT hơn 2 triệu cổ phiếu, MWG hơn 1,7 triệu cổ phiếu, NLG hơn 1,6 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu phải mất nhiều ngày giao dịch nhất để hoàn tất tái cơ cấu có thể là VIB với ước tính lên tới 10 ngày.