• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 7:08:16 CH - Mở cửa
Thị trường xi măng: Kỳ vọng gì những tháng cuối năm?
Nguồn tin: Báo Chính phủ | 22/09/2021 8:40:00 CH
Dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những kết quả đạt được trong việc tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng sẽ cán đích kế hoạch tiêu thụ từ 104-107 triệu tấn sản phẩm xi măng trong cả năm 2021.
 
Diễn biến trái chiều tại thị trường nội địa và xuất khẩu
 
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), 8 tháng năm 2021, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 27,23 triệu tấn, tăng tới 12% so với cùng kỳ.
 
Lý giải về hiện tượng này, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, sở dĩ khối lượng giá trị sản xuất và tiêu thụ xi măng và clinker vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020 là nhờ chúng ta có khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2021, dịch COVID-19 được khống chế hiệu quả.
 
Tuy nhiên, tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa trong tháng 8 và 8 tháng năm 2021 giảm là do tác động của đợt dịch lần thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp trong cộng đồng, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh phía nam làm nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động.
 
Điều này có thể thấy rõ hơn qua số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) báo cáo về tình hình thị trường xi măng trong tháng 8/2021. Theo đó, lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa tại các vùng đều giảm so với tháng 7 trước đó. Cụ thể như đồng bằng sông Hồng, sản lượng tiêu thụ xi măng trong tháng 8 chỉ đạt khoảng trên 1,102 triệu tấn trong khi con số này trong tháng 7 đạt tới trên 1,4 triệu tấn.
 
Tại miền Bắc, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng trong tháng 8/2021 chỉ đạt trên 1,691 triệu tấn trong khi con số này trong tháng 7 đạt trên 2,269 triệu tấn. Tổng lượng tiêu thụ xi măng tại miền Trung trong tháng 8 đạt trên 1,125 triệu tấn, giảm tới trên 421.000 tấn so với tháng 7. Đặc biệt, tổng lượng tiêu thụ xi măng tại miền Nam - khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ đợt dịch lần thứ tư với hàng loạt địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 giảm tới 55,8% so với tháng 7.
 
Tại thị trường xuất khẩu, hiện 3 quốc gia ở châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Bangladesh là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng xi măng và clinker Việt Nam. Nếu tính đến quý II/2021, thị trường xuất khẩu vào Trung Quốc duy trì vị trí số 1 với gần 10,3 triệu tấn, kim gạch 368,6 triệu USD, chiếm 49,4% lượng và 45,6% về kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước. Tiếp đến là Philippines đạt 3,85 triệu tấn, kim ngạch 175,45 triệu USD; Bangladesh đạt 1,93 triệu tấn, kim ngạch 65,4 triệu USD.
 
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký VNCA chia sẻ, sản lượng xuất khẩu xi măng tăng 12% là tín hiệu đáng mừng do tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Canada, Mỹ, Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường. Nhu cầu sử dụng xi măng tăng cao và giá xi măng tại các thị trường này cũng đang được điều chỉnh theo xu hướng tăng.
 
Theo phân tích của Tổng Thư ký VNCA, sức cạnh tranh của sản phẩm xi măng, clinker Việt Nam có được là do lợi thế về đường biển đã giúp mặt hàng này tăng trưởng xuất khẩu.
 
“Lượng lớn xi măng, clinker Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc. Thị trường này không thiếu nguồn cung, nhưng nếu các nhà sản xuất tự vận chuyển đến các vùng ven biển sẽ rất xa; trong khi đó, nếu vận chuyển bằng đường biển của Việt Nam thì gần hơn. Đây là lợi thế để Việt Nam xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc”, ông Long cho biết thêm.
 
Những dự báo lạc quan
 
Tuy lượng tiêu thụ xi măng nội địa giảm nhưng hiện tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đang được các địa phương đẩy mạnh nhằm sớm khống chế tình hình dịch bệnh và dần nới lỏng giãn cách xã hội để trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, tiêu thụ xi măng nội địa cũng đang được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại vì thời điểm những tháng cuối năm rơi vào cao điểm mùa xây dựng.
 
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc dự báo tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh từng bước được khống chế, hoạt động xây dựng phục hồi và các công trường xây dựng được hoạt động trở lại.
 
“Cùng với việc đẩy mạnh các kênh phân phối bán hàng, tối ưu hóa hạ tầng logistics các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng cần phải tự điều tiết theo cơ chế thị trường để tránh tình trạng cung vượt quá cầu dẫn đến dư thừa và tồn kho sản phẩm lớn”, lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng khuyến cáo.
 
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Lương Đức Long cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng cần đẩy mạnh kích cầu nội địa, tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hạ giá thành, tái cơ cấu lại sản phẩm với mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Đặc biệt, cần đa dạng và đẩy mạnh kênh phân phối bán hàng, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý giá bán, kênh phân phối và hóa đơn điện tử.
 
Dự báo về thị trường tiêu thụ nội địa trong quý IV/2021, Tổng Thư ký VNCA kỳ vọng thị trường xi măng tiếp tục ổn định, phát triển. Cùng với đó, việc tái khởi động lại các dự án bất động sản, hạ tầng và đà phục hồi chung của nền kinh tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa được kỳ vọng tăng trưởng tốt.
 
Báo cáo đánh giá triển vọng ngành xi măng Việt Nam năm 2021 của Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5-7% so với năm 2020.
 
Vượt qua những tác động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những dự báo lạc quan này là cơ sở để ngành công nghiệp xi măng Việt Nam có thể cán đích mục tiêu kế hoạch tiêu thụ từ 104-107 triệu tấn sản phẩm xi măng, trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa từ 68-69 triệu tấn và xuất khẩu từ 36-38 triệu tấn.