Trong đợt cấp hạn mức tín dụng vào quý III, VCBS cho biết TPBank được nới lên mức 17,4% cao nhất ngành.
Ngân hàng tăng tín dụng 30% trong năm 2020 và 16,6% trong 8 tháng.
Rủi ro với ngân hàng đến từ NIM thu hẹp và cạnh tranh ở mảng cho vay ôtô.
Trong báo cáo cập nhật về TPBank (HoSE:
TPB), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đề cập tín dụng ngân hàng tăng 16,6% sau 8 tháng và 30% trong năm 2020. Trong kỳ nâng room tăng trưởng tín dụng quý III, TPBank được cấp hạn mức cao nhất 17,4%. Điều này một phần cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá cao ngân hàng trên các tiêu chí để làm căn cứ cấp hạn mức tín dụng như chất lượng tài sản, quản trị rủi ro, lượng vốn dồi dào và mức độ đóng góp, hỗ trợ xã hội.
VCBS kỳ vọng hạn mức tín dụng của TPBank sẽ tiếp tục được cấp cao hơn trong các tháng cuối năm và ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng trên 20%.
CTCK đánh giá công nghệ đã giúp giảm chi phí họat động đáng kể cho ngân hàng. TPBank đã triển khai mô hình Livebank, phát triển các Robot giúp tăng hiệu quả làm việc của nhân viên. Do đó, quy mô nhân sự của TPBank tăng chậm hơn quy mô tài sản của ngân hàng và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp hơn các ngân hàng có quy mô tương đương. Quy mô tập khách hàng cũng tăng nhanh giúp cho cơ cấu huy động – cho vay của ngân hàng tăng trưởng bền vững hơn.
Thị phần phát hành trái phiếu của chứng khoán TPBS liên tục gia tăng và đạt 10% trong nửa đầu năm 2021 nếu ngoại trừ trái phiếu phát hành bởi các ngân hàng. Việc liên kết hoạt động chặt chẽ trong mảng phát hành trái phiếu cùng với hoạt động ngân hàng có thể giúp cho khách hàng của
TPB có thêm các sản phẩm đầu tư trong tương lai.
Tuy nhiên, VCBS cũng đề cập rủi ro biên lãi ròng (NIM) đang ở mức cao và dần thu hẹp từ nửa cuối năm 2021 do lãi suất huy động còn ít dư địa giảm và lãi suất cho vay tiếp tục giảm xuống trong các quý tiếp theo. Cùng với đó, phân khúc cho vay ô tô hiện có sự cạnh tranh từ nhiều ngân hàng dẫn tới lãi suất cho vay sản phẩm này không duy trì cao được như các năm trước
Vừa qua, TPBank công bố phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,3% cho các nhà đầu tư trong nước ở mức giá 33.000 đồng/cp. Dù mức giá phát hành thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường nhưng cũng tương đương trung bình 3 tháng qua của ngân hàng và tỷ lệ P/B đạt 1,7 lần.
Thặng dư vốn cổ phần từ thương vụ phát hành sẽ giúp tăng thêm 1.026 tỷ đồng cho giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu. Ngoài ra, do hiện tại cổ phiếu
TPB đã hết "room" ngoại, sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm xuống còn 27,4% và số lượng cổ phiếu khối ngoại có thể mua thêm là 30 triệu.
TPBank được cấp hạn mức cao nhất ngành. Ảnh: TPBank.
Trong nửa đầu năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2020, dù không còn khoản thu nhập đột biến từ phí trả trước của hợp đồng bancassurance. Đóng góp lớn nhất đến từ thu nhập lãi thuần khi TPBank ghi nhận NIM tăng mạnh lên 4,8%, đồng thời tiếp tục có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nhóm cao nhất ngành.
Thu nhập ngoài lãi nửa đầu năm 2021 đạt 1.443 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng ghi nhận chậm do TPBank có khoản lợi nhuận bất thường gần 400 tỷ đồng phí Upfront từ hợp đồng bảo hiểm trong nửa đầu năm 2020. Các hoạt động thu phí khác như bảo hiểm, thanh toán và hoạt động mua bán trái phiếu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu được duy trì thấp 1,1%, trong đó phân khúc khách hàng cá nhân có tỷ lệ nợ xấu 1,5% và phân khúc SME có nợ xấu 0,8%.
Dư nợ tái cơ cấu ghi nhận 1.300 tỷ đồng cuối quý II. Nếu tính tổng dư nợ của khách hàng có khoản vay tái cơ cấu thì ở mức 6.500 tỷ đồng, giảm so với mức 8.200 tỷ đồng giữa năm 2020. Tại thời điểm tháng 6, TPBank đã hoàn thành trích lập 30% chi phí trích lập bổ sung theo yêu cầu của Thông tư 03. Áp lực trích lập cho nửa cuối năm vì thế giảm xuống thấp.
CTCK dự báo lãi trước thuế năm 2021 của TPBank đạt 6.065 tỷ đồng, tăng 38%, tương đương EPS đạt 4.141 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 22.009 đồng/cổ phiếu