Các cuộc đình công tại một trong những công ty vận tải lớn nhất châu Á, HMM, có thể khiến tình trạng tắc nghẽn hàng hóa thêm trầm trọng.
Tháng 8, thủy thủ đoàn và công nhân ở bến tàu của công ty vận tải biển HMM (Hàn Quốc), một trong những công ty vận tải biển lớn nhất châu Á, đã bỏ phiếu ủng hộ đình công nhằm yêu cầu tập đoàn này phải tăng lương trong bối cảnh lợi nhuận tăng mạnh.
Giới phân tích cho biết nếu xảy ra đình công, chuỗi cung ứng công nghệ và ôtô toàn cầu, vốn đang căng thẳng do thiếu nguyên vật liệu, phụ tùng cũng như tắc nghẽn tại các cảng do quy định hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 và thiếu hụt nhân công, sẽ tiếp tục bị gián đoạn.
Uhm Kyung-ah, chuyên gia phân tích tại Shinyoung Securities, cho biết: “Nếu họ thực sự đình công, điều đó sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải quốc tế”.
Các cuộc đình công tại một trong những công ty vận tải lớn nhất châu Á, HMM, có thể khiến tình trạng tắc nghẽn hàng hóa thêm trầm trọng. Ảnh: Bloomberg.
Trước đó, ban quản lý của HMM đã đề xuất tăng lương 8% cho công nhân và thưởng 6 tháng lương, song công đoàn của tập đoàn đã bác bỏ.
Người phát ngôn của HMM cũng thừa nhận rằng tập đoàn đã không tăng lương trong suốt 8 năm qua.
Trong khi đó, HMM cho rằng khả năng xảy ra đình công là rất thấp và ban lãnh đạo của tập đoàn hy vọng họ có thể đạt được thỏa thuận với công đoàn để tránh gây xáo trộn cho hoạt động vận tải biển.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang rất dễ bị tổn thương ngay cả với những gián đoạn nhỏ. Việc các cảng ở Trung Quốc phải đóng cửa trong thời gian gần đây vì các ca nhiễm Covid-19 đã ảnh hưởng đến thương mại quốc tế và điều này có thể khiến khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp diễn tới tận năm sau.
HMM ước tính đình công kéo dài trong 3 tuần có thể khiến tập đoàn và các công ty vận tải khác trong liên minh lỗ khoảng 580 triệu USD.
Hiện nay, tình trạng thiếu nguyên liệu thô và công suất vận tải hàng hóa là nguyên nhân khiến hoạt động công nghiệp ở Hàn Quốc và các đối tác thương mại đồng loạt suy giảm. Tháng 8 là lần đầu tiên tăng trưởng sản xuất của Hàn Quốc giảm trong một năm qua, chủ yếu do nhu cầu các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như chất bán dẫn tăng chậm lại. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất điều chỉnh theo mùa của nước này giảm từ 53 điểm trong tháng 7 xuống 51,2 điểm trong tháng 8, theo IHS Markit.
Mặc dù các nhà sản xuất Hàn Quốc kỳ vọng chuỗi cung ứng sẽ cải thiện khi đại dịch Covid-19 qua đi, song các nhà xuất khẩu châu Á vẫn phải đang chạy đua để đảm bảo năng lực vận tải, đặc biệt là khi nhiều công ty logistics đang chật vật vì thiếu container và cần trục tại cảng.
Các tập đoàn vận tải biển đang có lợi nhuận chưa từng có nhờ nhu cầu về hàng hóa tăng mạnh, đẩy giá cước vận tải lên cao từ nửa cuối năm ngoái. Trong đó, HMM ghi nhận lợi nhuận kỷ lục ở 2.400 tỷ won (2,1 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay. Doanh thu của tập đoàn tăng gần 2 lần lên 5.300 tỷ won trong cùng kỳ.