Giá vàng châu Á tăng trong phiên chiều 11/1 nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu suy yếu, trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi số liệu lạm phát tháng 12/2021 và đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn.
Vào lúc 14 giờ 23 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.809,22 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,6% lên 1.808,80 USD/ounce.
Chiến lược gia Margaret Yang của chuyên trang tài chính DailyFX (Mỹ) cho biết đồng USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm suy yếu đang hỗ trợ giá vàng nhưng yếu tố mà làm hạn chế đà tăng trên thị trường vàng là đồn đoán sẽ có 3-4 đợt tăng lãi suất trong năm 2022.
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã rời khỏi mức cao nhất của hai năm là 1,808% xuống 1,757%.
Vàng vốn được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát song giá kim loại quý này nhạy cảm với lãi suất của Mỹ, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Ngân hàng Goldman Sachs hiện dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất bốn lần trong năm 2022, trùng với quan điểm của các nhà phân tích của J.P. Morgan và Deutsche Bank.
Đồng USD giảm so với một giỏ gồm các đồng tiền chủ chốt trong bối cảnh nhà giao dịch đang chờ đợi phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối ngày 11/1 để tìm kiếm manh mối mới về thời điểm và tốc độ bình thường hóa chính sách.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Mỹ dự kiến sẽ tăng 5,4% trong tháng 12/2021, tăng so với mức 4,9% trong tháng trước đó, điều này có thể gây sức ép cho Fed tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 22,57 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,8% lên 947,41 USD/ounce. Còn giá palladium tăng 1,2% lên 1.934,75 USD/ounce.
Trong khi đó, vào lúc 16 giờ 01 phút chiều 11/1, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 61,00 - 61,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).