Lực cầu bắt đáy giá sàn sáng nay xuất hiện khá mạnh và ở đồng loạt nhiều cổ phiếu, tạo nên trạng thái giao dịch sôi động. Điều này cho thấy lòng tham vẫn còn lớn và số đông vẫn chỉ nhìn vào mức điều chỉnh từ đỉnh, thay vì nhìn mức tăng từ đáy...
Lực cầu bắt đáy giá sàn sáng nay xuất hiện khá mạnh và ở đồng loạt nhiều cổ phiếu, tạo nên trạng thái giao dịch sôi động. Điều này cho thấy lòng tham vẫn còn lớn và số đông vẫn chỉ nhìn vào mức điều chỉnh từ đỉnh, thay vì nhìn mức tăng từ đáy.
Họ cổ phiếu FLC được chú ý nhiều nhất vì đến hôm nay là phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp. Các mã trọng điểm như FLC, ROS, AMD, HAI cũng đều tăng mạnh thanh khoản, thể hiện lực cầu nhất định đã xuất hiện.
FLC giao dịch lớn với hơn 39 triệu cổ sáng nay. Cầu vào rất sớm và thanh khoản cao ngay từ sau khi mở cửa. Đến gần 10h giá FLC đã được “vớt” lên 12.200 đồng, tức là trên mức sàn 2 bước giá. Tuy nhiên ngay sau khi có thanh khoản giá sàn, lực bán mới lại xuất hiện dập tắt các nỗ lực đỡ giá sàn. FLC đến cuối phiên sáng đã lại bị chặn bán sàn hơn 27,7 triệu cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu đầu cơ cả tuần nay còn bị bán tống bán tháo như đồ bỏ, hôm nay đã lại trở thành “hàng hiệu” được thèm khát.
Trong nhóm FLC, hầu hết các các mã đều bắt đầu có thanh khoản: ROS có gần 2,57 triệu cổ chạy thoát giá sàn; HAI khoảng 16,4 triệu cổ chạy thoát; AMD là hơn 22,4 triệu cổ. Tuy vậy ngay khi có thanh khoản và giá nhích lên 1-2 bước khỏi mức sàn, nhà đầu tư mắc kẹt lại tranh thủ bán ra, khiến các cổ phiếu này lại bị mất thanh khoản.
Ngoài những mã thuộc “họ” FLC, sáng nay cũng có khá nhiều cổ phiếu khác giảm sàn như DGW, GMH, SII, EMC, FDC, TTE. Tuy nhiên các cổ phiếu này không có sóng đầu cơ trước đây và thanh khoản cũng không đảm bảo về giá. Như vậy tất cả các cổ phiếu đầu cơ bị bán tháo và mất thanh khoản những ngày qua đã được “trục vớt” thành công ở mức độ khác nhau, trừ nhóm cổ phiếu FLC kể trên.
Thành công nhất là các cổ phiếu đầu cơ không chỉ được “trục vớt” mà còn được đánh ngược lên tăng kịch trần. HoSE chốt phiên sáng với 32 mã tăng hết biên độ, trong đó 20 mã lại được dư mua giá trần. Những tên tuổi “thê thảm” hai tuần nay lại trở nên “hot” như BCG, CKG, DLG, SKG, DIG, OGC, HQC, QBS...
Hiện tượng quét sàn các mã đang bị bán tháo cho thấy một kiểu giao dịch bắt đáy thường thấy khi nhà đầu cơ nghĩ rằng giá giảm như vậy là hấp dẫn. Trong số các cổ phiếu bị bán tháo vừa qua dĩ nhiên có nhiều mã chất lượng tốt, chỉ là giá tăng quá mạnh nên đảo chiều mạnh. Tuy nhiên cũng không ít cổ phiếu được “bơm thổi” thuần túy. Mức giảm 20%-50% có sự kích thích ghê gớm. Tuy nhiên đó chỉ là khi nhà đầu tư nhìn từ đỉnh xuống, tức là kỳ vọng giá bắt đáy sẽ lại hồi lên như khi tăng trước đó. Ngược lại, nếu nhìn từ đáy, mức tăng gấp thếp cho thấy mức điều chỉnh nói trên vẫn chưa phải là nhiều.
Hiểu được tâm lý “nhìn từ đỉnh” nên giai đoạn phân phối không nhất thiết phải là bán tại đỉnh hay ở vùng giá cao. Nhiều cổ phiếu cần phải được kéo mạnh lên và để rơi tự do mới thu hút được cầu vào để phân phối. Thậm chí có thể chọn giá sàn để phân phối vì rất nhiều người sẽ cho rằng có cầu lớn bắt đáy nghĩa là giá đã chạm đáy, trong khi thực tế đó hoàn toàn có thể là “cầu mồi” mà thôi.
VN-Index đang chịu ảnh hưởng lớn từ VCB.
Với thị trường chung, sàn HoSE hôm nay có độ rộng tốt với 268 mã tăng/190 mã giảm. Tâm lý bắt đáy lan rất rộng, khi 20 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục, độ rộng vẫn còn là 149 mã tăng/220 mã giảm. Đến gần 10h tuy VN-Index tạo đáy, độ rộng lại tốt hơn với 158 mã tăng/236 mã giảm. Càng về cuối phiên số mã tăng giá càng nhiều hơn.
Dòng tiền cũng tập trung vào bắt đáy các cổ phiếu vừa và nhỏ là chính. Midcap sáng nay giao dịch 5.242,7 tỷ đồng, chỉ số đại diện tăng 1,47%. Smallcap giao dịch gần 2.424 tỷ đồng, chỉ số tăng 1,38%. Trong khi đó VN30 lại giảm nhẹ 0,16%, giao dịch 3.049,5 tỷ đồng. Trong Top 5 cổ phiếu thanh khoản nhất hai sàn niêm yết, không có mã nào thuộc VN30. Đó là DIG, CII, CEO, LDG, FLC.
Do các blue-chips giao dịch không mạnh, lại bị VCB giảm 3% kéo xuống cực nhiều, nên VN30-Indẽ mất điểm và VN-Index chỉ tăng 0,16% tương đương 2,3 điểm. Nhóm VN30 có độ rộng cân bằng 14 mã tăng/14 mã giảm. Tuy nhiên chỉ có 4 mã trong nhóm giảm là mất trên 1%.
Cầu bắt đáy quay lại giúp thanh khoản sáng nay phục hồi tốt. Hai sàn niêm yết khớp 13.692 tỷ đồng, tăng 28% so với sáng hôm qua. Trong đó HoSE tăng trên 27%, đạt 12.220 tỷ đồng. Nhóm VN30 chỉ chiếm 25% trong mức thanh khoản này là thị phần kém nhất kể từ đầu tuần.
Khối ngoại sáng nay cũng bán ròng trở lại hơn 153 tỷ đồng. NLG bị xả nhiều nhất với -51 tỷ, DGW -32 tỷ, NVL -22 tỷ, STB hơn 21 tỷ. Phía mua có CTG +29 tỷ là đáng kể nhất.