• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
22 Tháng Mười Một 2024 3:12:57 CH - Mở cửa
Khối lượng phát hành liên tục phá đỉnh, vỡ nợ trái phiếu khi nào xảy ra?
Nguồn tin: Vneconomy | 26/01/2022 8:41:26 SA
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tiếp tục leo dốc, đạt kỷ lục trên 650.000 tỷ đồng, nhưng những chỉ dấu về “sức khỏe” thị trường đang tụt dốc trong khi thời điểm đáo hạn cận kề. Giới phân tích cho rằng, nếu “lỗ hổng” thị trường không được vá lấp kịp thời, những vụ vỡ nợ trái phiếu không thể tránh khỏi....

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi dấu tốc độ tăng trưởng thần tốc lên tới 42% so với cùng kỳ, nâng khối lượng phát hành đạt kỷ lục 658.009 tỷ đồng, gấp hơn hai lần tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường (tính đến ngày 17/1/2022). Trong đó, tỷ trọng phát hành ra công chúng chỉ chiếm 4,58%, đa phần là phát hành riêng lẻ chiếm hơn 95%.
 
 
Cảnh báo nguy cơ vỡ "bom nợ" trái phiếu.
 
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, đánh giá: “Dù mới chiếm 16% GDP nhưng tốc độ phát triển thị trường phát triển doanh nghiệp Việt Nam nhanh nhất châu Á trong 15 năm trở lại đây”.


 
CHIẾM ÁP ĐẢO 70%, NGÂN HÀNG, BẤT ĐỘNG SẢN BẤT PHÂN THẮNG BẠI
 
Phân tích cụ thể hơn, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho hay, nhóm ngành ngân hàng và bất động sản tiếp tục duy trì khối lượng phát hành trái phiếu lớn như những năm trước, chiếm áp đảo 70% tổng lượng trái phiếu phát hành thành công.
 
Hai nhóm ngành này “bất phân thắng bại” với tỷ trọng mỗi ngành chiếm 35% tổng khối lượng phát hành. Cụ thể, trái phiếu bất động sản phát hành khoảng 232 nghìn tỷ đồng, tập trung phần lớn ở phân khúc bất động sản nhà ở, tăng mạnh 37% so với năm 2020.

 
Nguồn: Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
 
Trái phiếu các tổ chức tín dụng phát hành đạt 231 nghìn tỷ đồng, trong đó, 60,7 nghìn tỷ đồng tăng vốn cấp 2, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn.
 
Nhóm trái phiếu công ty chứng khoán ghi nhận sự tăng mạnh so với năm trước, trong khi nhóm ngành sản xuất công nghiệp sụt giảm do diễn biến dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và tiêu thụ.
 
Về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp, có đến 56% trái phiếu doanh nghiệp được đầu tư bởi tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 8,6%.

 
“Các nhà đầu tư khác như công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ chiếm tỷ lệ nhỏ, với tỷ trọng lần lượt 1,55% và 1,81%, khác biệt so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ngoài, phản ánh sự mới mẻ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam”, ông Quỳnh nhận định. Về đặc điểm doanh nghiệp phát hành năm 2021, doanh nghiệp niêm yết chiếm 54,4%; còn lại 46% là những doanh nghiệp chưa niêm yết, thiếu tính minh bạch trong công tác quản trị và vận hành.
 
Đáng lưu ý, trên 60% doanh nghiệp phát hành lần đầu năm 2021 là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, tăng mạnh so với năm 2020.
 
Khẳng định sự lớn mạnh và quy mô của kênh dẫn vốn trung và dài hạn thông qua trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FiinGroup so sánh, dù chứng khoán có quy mô vốn hóa rất lớn, hơn 100% GDP, huy động vốn hơn 100 nghìn tỷ đồng và đạt kỷ lục trong suốt 25 năm hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên, vai trò dẫn vốn hiện chỉ bằng 1/6 kênh trái phiếu.
 
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), nhận định, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt đến khoảng 15,9% GDP là một con số rất lớn, vượt ngoài sự tưởng tượng của cơ quan quản lý.
 
Mặt khác, khi tăng trưởng tín dụng được điều hành một cách thận trọng hơn, nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, phần thiếu hụt vốn được kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bù đắp, yểm trợ.
 
"LÁCH" LUẬT MUA TRÁI PHIẾU "LỞM", RỦI RO ĐANG TĂNG DẦN
 
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh lại hàm chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn.
 
Nhìn lại một năm các quy định nâng “chất” trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay, trong quý 1/2021, thị trường có những dấu hiệu phát triển đúng định hướng.
 
Cụ thể, khối lượng phát hành theo hình thức riêng lẻ giảm, thay vào đó, doanh nghiệp lựa chọn phát hành ra công chúng. Số lượng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm đáng kể, trên 50%.
 
Sang quý 2/2021, tốc độ phát hành trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn về kinh tế nhưng doanh nghiệp vẫn có thể huy động được vốn để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn bắt đầu nảy sinh.
 
“Chúng tôi nhận thấy, khối lượng nhà đầu tư cá nhân giảm trên 50%. Nhưng qua theo dõi, bằng cách nào đó, họ vẫn tham gia rất nhiều vào thị trường”, ông Dương cho biết. Tại thời điểm thống kê vào hết quý 3/2021, có khoảng gần 300.000 cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường.
 
Đáng quan ngại, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối chào mời nhà đầu tư cá nhân và có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
 
“Lách” ở đây không có nghĩa là sai luật, mà vận dụng những điều pháp luật cho phép để “hô biến” những nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo quy định của pháp luật và được nhà đầu tư chấp thuận.
 
“Thế nhưng, nhà đầu tư cá nhân vẫn là chính họ, chưa thể đánh giá hay lường hết những rủi ro của doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu họ mua”, đại diện Bộ Tài chính chỉ rõ. 
 
Bên cạnh đó, qua quản lý giám sát thị trường, nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế hay những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu.
 
Thậm chí, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và các tổ chức thực chất sử dụng vốn.
 
Liên quan đến chất lượng tổ chức cung cấp dịch vụ, các công ty chứng khoán thiếu chất lượng khi có thiên hướng xây dựng hồ sơ phát hành có lợi hơn cho doanh nghiệp.
 
“Thị trường Việt Nam có đặc thù khi chúng ta càng khuyến nghị, càng cảnh báo, nhà đầu tư lại có thiên hướng tăng đầu tư và cũng chưa quan tâm đến rủi ro. Chúng tôi đang thiết kế hành lang pháp lý theo hướng quản lý chặt chẽ hơn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Dương nhấn mạnh.
 
Trước những rủi ro tiềm ẩn, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, nhà đầu tư cá nhân tham gia ngày càng tích cực, nếu không điều chỉnh kịp thời thì sẽ có khả năng xảy ra rủi ro với nhà đầu tư cá nhân không chuyên lẫn chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến xã hội.
 
Liên quan đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu dùng vốn không đúng mục đích, hiệu quả kinh doanh, năng lực yếu nhưng huy động nhiều sẽ tạo rủi ro gì, hay chất lượng của tổ chức tài chính trung gian làm ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường như thế nào, cần phải đánh giá. Tuy nhiên, “doanh nghiệp nào cố tình lừa đảo để huy động vốn thì phải xử lý”, Tổng thư ký VBMA nhấn mạnh.

 
Ông Nguyễn Hoàng Dương Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính).
 
Có nhiều chuyên gia phản ánh với Bộ Tài chính, có thể chúng ta phải để một vài vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra, để người dân, nhà đầu tư biết thực chất đấy là rủi ro.
 
Không phải vì trái phiếu doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt mà gây mất an toàn về mặt hệ thống, nhưng điều này gây nguy hiểm khi các khoản vay trái phiếu sẽ liên thông với tín dụng ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trong nền kinh tế.
 
Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp lý, một mặt, để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp; mặt khác, giảm thiểu những rủi ro về mặt thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo an toàn của thị trường.

 
Ông Nguyễn Quang Thuân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FiinGroup .
 
Chất lượng nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất kém với hệ số khả năng trả nợ gốc rất yếu, đặc biệt những nhà phát hành chưa niêm yết.
 
Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 8 lần trong khi kỳ hạn trái phiếu chỉ có 3, chắc chắn gây ra mất cân đối về kỳ hạn.
 
Ngoài ra, năm 2021, trong tổng số 383 nhà phát hành, có 94 nhà phát hành có lỗ lũy kế tính đến năm 2020, 81 nhà phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2020. Bên cạnh đó, có 121 doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
 
Tôi muốn gửi một thông điệp với nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư không chuyên còn chưa tỉnh ngộ, đó là ngân hàng cho vay chuyên nghiệp còn có nợ xấu, vì vậy, đầu tư trái phiếu sẽ có vỡ nợ, sẽ có rủi ro, vấn đề là khi nào.