Rất nhiều mã cổ phiếu đã bị đẩy giá lên một cách phi thị trường, khiến cơ quan quản lý thị trường cảnh báo có dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).
Bong bóng chứng khoán đối với các mã cổ phiếu trên có thể vỡ bất kỳ lúc nào, dù quy mô của nó còn nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường nói chung.
Những rủi ro hiện hữu
TTCK đã có một năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng và chất. Sự tăng trưởng đó đã tạo ra mặt bằng giá mới cho chứng khoán Việt Nam. Những năm trước, lực cản của VN-Index trong khoảng từ 1.000- 1.200 điểm, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ số đã thiết lập mặt bằng ở vùng 1.500 điểm. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của những doanh nghiệp niêm yết lớn trong tiến trình phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch và hơn hết là dòng tiền đến từ hơn một triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong năm 2021.
Tuy nhiên, trong sự tăng trưởng mạnh của thị trường đã có những rủi ro hiện hữu, nhất là đối với các nhà đầu tư mới ít kinh nghiệm. Nhiều nhà đầu tư đã không còn quan tâm đến yếu tố nội tại của doanh nghiệp mà chỉ quan tâm đến sự tăng giá của những mã cổ phiếu, và như thế có xu hướng mua đi, bán lại kiếm lời trong ngắn hạn, đẩy rủi ro từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác.
Có những mã cổ phiếu tăng nóng bằng những câu chuyện được thêu dệt trên thị trường, trong khi trên thực tế các doanh nghiệp này lại đang kinh doanh bết bát. Rất nhiều mã cổ phiếu bị đẩy giá lên một cách phi thị trường, đã có dấu hiệu bị thao túng như công bố gần đây của cơ quan quản lý thị trường. Các cổ phiếu này có thể bị sụp đổ bất kỳ lúc nào, tạo ra hệ luỵ tâm lý lớn đối với giới đầu tư.
Rủi ro tiếp theo đối với thị trường trong năm nay là rất nhiều cổ đông lớn nội bộ, lãnh đạo các công ty niêm yết đã và đang tiếp tục bán ra chốt lời cổ phiếu của chính công ty của họ khi thị giá cổ phiếu tăng mạnh.
Chờ đợi gì từ gói kích thích?
Với gói kích thích kinh tế dự kiến tới hơn 300.000 tỷ đồng được kỳ vọng giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, qua đó tác động tích cực đến TTCK. Về vấn đề này, chúng ta có thể thấy rõ sự tăng trưởng của TTCK luôn đi trước nền kinh tế thực do yếu tố kỳ vọng của các chủ thể tham gia thị trường.
Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy gói kích thích kinh tế không đúng và trúng mục tiêu sẽ gây hệ luỵ rất lớn. Rủi ro lớn nhất sẽ là lạm phát và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nếu tiền từ gói kích thích kinh tế không đi vào sản xuất, kinh doanh, mà chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản cho mục đích đầu cơ kiếm lời ngắn hạn.
Trước thực trạng trên, NHNN đã có những chính sách kiểm soát dòng tín dụng không đi vào mục đích đầu cơ những tài sản nóng như bất động sản, chứng khoán. Do đó, TTCK có thể sẽ được hỗ trợ thông qua ba nguyên nhân sau, thay vì dòng tiền đầu cơ trực tiếp chảy vào từ gói kích thích. Thứ nhất là tâm lý tích cực của nhà đầu tư về sự phục hồi của nền kinh tế. Thứ hai, tăng trưởng nội tại của các công ty niêm yết khi kinh tế được kích thích, giải ngân đầu tư công tăng trưởng. Thứ ba là dư địa giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp khi kiềm chế được lạm phát dưới mức mục tiêu 4% trong năm nay.