Điểm sáng của tôm Việt Nam trong năm 2021 là giữ được sự tăng trưởng khá tốt ở thị trường Mỹ trong suốt cả năm. Năm 2021, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.
Năm 2021, XK tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Bên cạnh đó, dịch Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng các chi phí nhất là chi phí vận tải biển sang các thị trường.
Trong quý III/2021, chế biến, XK tôm giảm liên tiếp trong 2 tháng 8 và 9 do nhiều nhà máy ở miền Tây (chiếm 80% sản lượng chế biến tôm cả nước) phải sản xuất “3 tại chỗ” hoặc tạm ngưng để phòng, chống dịch Covid-19. Bắt đầu từ nửa cuối tháng 10, hoạt động chế biến dần phục hồi, kéo xuất khẩu tăng trở lại.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù gặp nhiều khó khăn, XK tôm cả năm 2021 vẫn đạt tăng trưởng dương. Đây là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp và chính sách chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, giúp cho sản xuất, XK tôm nhanh chóng hồi phục trong những tháng cuối năm 2021.
Điểm sáng của tôm Việt Nam trong năm 2021 là giữ được sự tăng trưởng khá tốt ở thị trường Mỹ trong suốt cả năm. Năm 2021, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.
Năm 2021, thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ tăng lên 13% từ 11% năm 2020. Doanh số bán lẻ tại Mỹ duy trì tăng trong đại dịch. Nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ dần phục hồi nhờ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ và chiến lược mở cửa, sống chung với Covid. Tốc độ tăng trưởng XK tôm của Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài đến quý đầu năm 2022.
Cùng với Mỹ, EU cũng là 1 thị trường NK tôm của Việt Nam ghi nhận sự hoạt động tích cực trong năm 2021. Năm 2021, XK tôm Việt Nam sang EU đạt hơn 613 triệu USD, tăng 19% so với năm 2020. XK sang 3 thị trường chính (Hà Lan, Đức, Bỉ) tăng lần lượt 11%, 25% và 19%.
Sau một năm Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tăng trưởng khá.
Năm 2022, dự kiến XK tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt. Năm 2022, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…
Năm 2022, XK tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số, XK sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, XK sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định và có thể không có sự tăng trưởng đột phá.
Tôm hiện chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam và là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất, trừ tháng 8 và tháng 9 có sự giảm mạnh do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước, nhưng sau đó đã hồi phục trở lại sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Mỹ là thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 28% tổng giá trị tôm xuất khẩu và đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng tốt với mức gần 22%.