Các nhà đầu tư đang lên dây cót cho những sóng gió khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất và giảm thêm mức mua vào trái phiếu mỗi tháng.
Chứng khoán Mỹ chịu tác động
Mối lo thứ ba và cũng đáng ngại hơn là việc cắt giảm mua vào trái phiếu sẽ dẫn đến sụt giảm bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD của Fed. Điều mà giới đầu tư không mong muốn là cả 3 động thái trên sẽ diễn ra cùng lúc. Nhưng biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2021 vừa được Fed công bố, lại cho thấy điều đó là có thể xảy ra.
Theo biên bản cuộc họp, các thành viên của Fed đã sẵn sàng tâm thế không chỉ bắt đầu tăng lãi suất, cắt giảm mua vào trái phiếu, mà còn chuẩn bị tham gia vào các cuộc trao đổi cấp cao về việc giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS).
Mặc dù 3 động thái trên được thiết kế nhằm đối phó với lạm phát, nhưng chúng lại vô tình trở thành mối đe dọa nhân ba và báo hại thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã hứng chịu mất mát đầu tiên trong năm 2022 khi "bốc hơi" gần 400 điểm, tương đương 1,07%, còn 36.407,11 điểm trong ngày giao dịch 5/1, do các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ có hành động mạnh tay. Sang đến ngày hôm sau 6/1, thị trường đã đảo chiều khi các nhà đầu tư cố gắng phán đoán ý định của Fed.
"Lý do khiến thị trường có phản ứng giật cục vào ngày hôm qua có vẻ như đền từ việc Fed sẽ nhanh chóng rút thanh khoản thị trường", bà Lindsey Bell, Giám đốc chiến lược thị trường tại Công ty tài chính số Ally Financial (Mỹ) lý giải.
Đại diện Ally Financial cho rằng: "Nếu họ (Fed-BTV) tiến hành việc đó một cách đều đặn và từ từ, thị trường vẫn có thể hoạt động tốt. Nhưng nếu họ ra tay mau lẹ và dữ dội, thì đó sẽ là một câu chuyện khác".
Bà Lindsey Bell cho rằng các nhà đầu tư đang lo lắng quá nhiều đến chính sách của các quan chức Mỹ sau khi họ đã thể hiện rõ quan điểm rằng họ không muốn làm bất cứ điều gì kéo chậm quá trình phục hồi hoặc làm suy yếu thị trường tài chính Mỹ.
"Có vẻ như Fed sẽ hành động nhanh hơn rất nhiều", bà Lindsey Bell dự đoán. "Thực tế là chúng tôi không thực sự biết họ sẽ hành động ra sao và khi nào họ sẽ tiến hành. Điều này có thể được xác định trong vài tháng tới", đại diện Ally Financial nói thêm.
Đã có tín hiệu Fed sẽ mạnh tay
Nếu căn cứ vào những thông tin gần đây, thì thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không cần đợi lâu để biết Fed sẽ hành động ra sao.
Nhiều quan chức Fed, trong đó có ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, và ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed tại thành phố Minneapolis, đã tỏ thái độ phải hành động quyết liệt hơn trong vài ngày qua. Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại San Francisco, bà Mary Daly hôm 6/1 cho rằng việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed là điều không nhất thiết phải thực hiện trước mắt.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell sẽ phát biểu tại một phiên điều trần vào tuần tới và rất có thể ông sẽ đưa ra một thông điệp ôn hòa hơn, theo ông Michael Yoshikami, nhà sáng lập và Chủ tịch Quỹ quản lý tài sản Destination Wealth Management.
Chuyên gia này cho rằng trong khi quyết tâm chống lạm phát, Fed cũng sẽ phải đối phó với tác động tiêu cực của biến thể Omicron.
"Tôi hy vọng Fed sẽ thể hiện ra mặt và khẳng định rằng mọi thứ sẽ căn cứ vào tình hình đại dịch. Nhưng nếu Omicron vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn trong 30 hoặc 45 ngày tới, nó sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ và có thể phải trì hoãn tăng lãi suất", Chủ tịch Quỹ Destination Wealth Management nói.
Tuy nhiên, một số điều chắc chắn trong chính sách của Fed đã được khẳng định. Chẳng hạn, Fed sẽ chỉ chi 60 tỷ USD mua vào trái phiếu mỗi tháng, bằng 1/2 mức mà họ đã chi mua cách đây vài tháng. Bên cạnh đó, các quan chức Fed cũng dự kiến tiến hành 3 đợt tăng lãi suất (mức tăng 0,25 điểm phần trăm) trong năm nay.
Vấn đề giới đầu tư lo nhất hiện nay là Fed sẽ quyết liệt thu hẹp bảng cân đối kế toán ra sao sau khi thảo luận về việc này tại cuộc họp chính sách tháng 12/2021. Sở dĩ giới đầu tư sốt ruột là bởi vấn đề này liên quan trực tiếp đến tính thanh khoản mà Fed liên tục củng cố trong thời gian vừa qua khi thị trường biến động mạnh vì Covid-19.
Trong lần thu hẹp bảng cân đối kế toán gần đây nhất, từ năm 2017 đến năm 2019, Fed đã áp trần doanh thu bán trái phiếu ở mức 10 tỷ USD mỗi tháng, sau đó tăng thêm 10 tỷ USD mỗi quý cho đến khi mốc đạt 50 tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm Fed rút lại quyết định này, bảng cân đối 4.500 tỷ USD của Fed mới chỉ giảm được 600 tỷ USD.
Với bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD như hiện nay (trong đó, 8.300 tỷ USD là trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mà Fed đã mua vào thời gian qua), thì Phố Wall dự đoán lần này Fed sẽ quyết liệt thu hẹp hơn.