Các công ty chứng khoán cho rằng phiên giảm điểm cuối tuần có thể chỉ mang tính rung lắc kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng tăng bền vững hơn và khả năng để VN-Index hướng đến ngưỡng 1.550 điểm có thể xảy ra.
VN-Index khởi động năm 2022 với sắc xanh trải đều ở nhiều nhóm ngành trên sàn giao dịch và thanh khoản gia tăng.
Cụ thể, kỳ vọng lớn từ gói kích thích kinh tế với giá trị lên tới 350.000 tỷ đồng hay việc chỉ số PMI tăng lên 52,5 điểm cùng chỉ số Dow Jones tiếp tục lập đỉnh mới đã mang đến tâm lý hứng khởi cho nhà đầu tư trong nước phiên 4/1. Hàng loạt các cổ phiếu trong nhóm VN30 bật tăng mạnh kéo VN-Index trong phiên 4/1/2022 tăng 27,3 điểm lên mức 1.525,58 điểm với 332 mã tăng điểm và 137 mã giảm. Các phiên còn lại trong tuần giao dịch tương đối thận trọng khi giằng co liên tục quanh mức điểm 1.530. Ở phiên thứ 6 (ngày 7/1/2022), thị trường mở cửa trong sắc xanh trong những phút đầu tiên nhưng nhanh chóng chịu áp lực bán mạnh và giao động quanh mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian còn lại trước khi giảm nhẹ về cuối phiên.
Xét cho cả tuần giao dịch, VN-Index tăng 30,02 điểm (+2%) lên 1.528,48 điểm; HNX-Index tăng 19,85 điểm (+4,2%) lên 493,84 điểm. Thanh khoản trung bình được cải thiện với khoảng 36.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,3% lên 128.865 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2,6% xuống 4.111 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 7% xuống 15.343 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,4% xuống 535 triệu cổ phiếu.
Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trưởng trong tuần qua. Cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 8,7% giá trị vốn hóa nhờ mức tăng của các cổ phiếu tiêu biểu như GAS (+11,7%), POW (+15,1%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghiệp với mức tăng 7,3% giá trị vốn hóa, nhờ vào mức tăng của một số trụ cột như GEX (+20,5%), VCG (+8,1%), CII (+24,8%), CTD (+3,7%)... Ngành tài chính tăng 5,7% giá trị nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như VHM (+4,1%), VRE (+15,4%), DIG (+21,1%), NLG (+1,4%), KDH (+11%), CEO (+30,5%)...
Cổ phiếu dầu khí tăng 4,3% nhờ diễn biến tích cực của giá dầu, có thể kể đến các mã như BSR (+5,2%), OIL (+11,7%), PLX (+4,5%), PVD (+6,4%), PVS (+6,2%), PVB (+1,5%), PVC (+2,4%), PVT (+3,7%)... Các ngành công nghệ thông tin (+1,6%), ngân hàng (+1,3%), nguyên vật liệu (+1,1%), dược phẩm và y tế (+1,1%) tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, hàng tiêu dùng giảm mạnh nhất với 1,6% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng giảm 0,7%.
SHS đánh giá, thanh khoản trung bình 36.000 tỷ đồng mỗi phiên trên hai sàn là tương đối cao, điều này cho thấy bên mua đã thắng thế trong tuần qua và dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường. VN-Index đã vượt thành công kháng cự mang tính tâm lý 1.500 điểm để hướng đến mục tiêu tiếp theo của chỉ số này là vùng kháng cự trong khoảng 1.530-1.550 điểm.
Công ty này dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 10-14/1, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để tiến vào vùng kháng cự kể trên. Nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục trong phiên đầu tuần 4/1 để đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng có thể tiếp tục nắm giữ để hướng tới những vùng giá cao hơn.
Theo quan điểm kỹ thuật, PHS cho rằng phiên giảm điểm cuối tuần có thể chỉ mang tính rung lắc kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng chính bền vững hơn. Thêm vào đó, bộ chỉ báo MACD và RSI đang hướng lên, cho thấy chỉ số có thể sớm tăng điểm trở lại và hướng lên thử thách ngưỡng kháng cự mục tiêu quanh vùng tâm lý 1.600 điểm.
“Nhìn chung, thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục vào các cổ phiếu có cơ bản tốt, có tính dẫn dắt và triển vọng kinh doanh năm 2022 khả quan”, PHS khuyến nghị.
Về phần mình, SSI cho rằng quán tính giảm của nhóm VN30 có thể vẫn làm tăng rủi ro về một nhịp điều chỉnh ngắn về trở lại vùng hỗ trợ 1.510-1.500 trên chỉ số VN-Index trong những phiên tiếp theo. Dù vậy, KLGD trong phiên 7/1 lại sụt giảm 12,5% về trở lại đường trung bình 50 ngày cho thấy lực bán chưa quá mạnh nên khả để chỉ số VN-Index đi lên trở lại vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.550 điểm vẫn còn.
Còn theo BOS, VN-Index vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời nhóm cổ phiếu đã đạt lợi nhuận kì vọng và điều chuyển vốn sang của nhóm cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh quý 4 tốt, giá chưa tăng mạnh từ nền tích lũy.