Ngày 12/10, tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương các nước G7 tại Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi Mỹ giảm giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
"Chúng tôi kỳ vọng Chính quyền Mỹ nỗ lực nhiều hơn để có chính sách dài hạn về mức giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) rẻ hơn", Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói.
Bộ trưởng Bruno Le Maire đưa ra lời kêu gọi một tuần sau khi Đức chỉ trích Mỹ và các quốc gia khác đang bán khí đốt "với giá trên trời".
Hiện Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Nga Gazprom đã cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukaine hồi cuối tháng 2, trong đó Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung của Nga.
Kể từ đó, các quốc gia châu Âu đã phải tìm tới nguồn cung của Mỹ, quốc gia hiện cung cấp 45% lượng khí LNG nhập khẩu của châu lục, tăng so với mức 28% hồi năm ngoái, dù giá khí đốt của Mỹ hiện cao gấp nhiều lần so với Nga.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cáo buộc các nước, trong đó có Mỹ, áp giá khí đốt quá cao trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang vật lộn để tái cân bằng năng lượng trong bối cảnh không có nguồn cung từ Nga.
Theo Bộ trưởng Robert Habeck, Liên minh châu Âu(EU) nên làm nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt trong khu vực, khi mà các nước đang chạy đua tìm nguồn cung thay thế khiến giá cả tiếp tục leo thang.
Bộ trưởng Kinh tế Đức kêu gọi EU "nên tập hợp sức mạnh thị trường của mình và điều chỉnh hành vi mua hàng một cách thông minh và đồng bộ để từng nước EU riêng lẻ không tự trả mức giá khí đốt cao hơn và đẩy giá thị trường thế giới đi lên".
Mới đây, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trong một cuộc phỏng vấn cho rằng, Mỹ đang bán khí đốt với giá cao hơn "ba hoặc thậm chí bốn" lần so với khí đốt Nga, đồng thời cho biết châu Âu đang làm cho nền kinh tế của họ kém cạnh tranh hơn khi phải trả số tiền lớn như vậy cho các nhà cung cấp Mỹ.
Giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt kể từ đầu năm nay, sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Giá mặt hàng năng lượng này đã tăng lên mức kỷ lục sau khi châu Âu áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Moskva cũng như việc khu vực này bắt đầu chiến dịch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và tăng cường tìm kiếm nguồn cũng thay thế, đặc biệt là khí đốt của Mỹ.