Suốt cả ngày hôm nay thị trường chìm trong áp lực bán tháo rất mạnh, khối ngoại cũng xả đột biến, dù thị trường không có thông tin mới nào xuất hiện. Thậm chí kết quả kinh doanh quý 3/2022 khá tích cực ở nhiều cổ phiếu cũng không thể hỗ trợ được giá. VN-Index chứng kiến 453 mã giảm giá, trong đó 137 mã giảm kịch sàn và chỉ số bốc hơi 3,65% giá trị, tương đương 38,63 điểm...
Xếp theo giá trị khớp lệnh, cổ phiếu giảm sàn la liệt cho thấy áp lực bán là cực mạnh.
Suốt cả ngày hôm nay thị trường chìm trong áp lực bán tháo rất mạnh, khối ngoại cũng xả đột biến, dù thị trường không có thông tin mới nào xuất hiện. Thậm chí kết quả kinh doanh quý 3/2022 khá tích cực ở nhiều cổ phiếu cũng không thể hỗ trợ được giá. VN-Index chứng kiến 453 mã giảm giá, trong đó 137 mã giảm kịch sàn và chỉ số bốc hơi 3,65% giá trị, tương đương 38,63 điểm.
Cường độ giảm hôm nay là cực mạnh, vượt cả biên độ phiên tạo đáy ngày 11/10 (-36,28 điểm). Trên cả ba sàn ghi nhận 234 mã giảm hết biên độ.
Áp lực lớn nhất vẫn đến từ nhóm blue-chips, với mức giảm 4,05% ở VN30-Index. Cả rổ này còn duy nhất SAB tăng 0,89% và VJC tham chiếu. 6 mã trong rổ giảm sàn là STB, TCB, SSI, CTG, MWG và GVR. Chưa hết, 11 mã khác giảm từ 4%-6% giá trị, bao gồm cả trụ MSN, HPG, VHM.
Điều khiến nhà đầu tư thất vọng nhất là trong cả trăm cổ phiếu bị bán tháo tới tận giá sàn, không phải mã nào cũng có lãi, dù là trong vài ngày qua. Đại đa số cổ phiếu chỉ với phiên giảm hôm nay đã xóa sạch thành quả tăng của nhiều tuần trước đó. Kiểu giao dịch “lên thang bộ, xuống thang máy” diễn biến quá nhanh khiến nhà đầu tư mắc kẹt. Cổ phiếu bắt đáy mới được hưởng niềm vui lãi nhỏ trong vài ngày, đột nhiên biến thành lỗ, thậm chí lỗ nặng.
Hàng loạt cổ phiếu cũng giảm mạnh hôm nay đến mức thủng đáy ngắn hạn vừa xác lập được. Đây là tín hiệu rất xấu, cho thấy đa giảm sẽ còn tiếp tục. Áp lực này sau đó tác động ngược lên tâm lý chung, càng thúc đẩy hoạt động cắt lỗ bán tháo.
VN-Index lao dốc mạnh liên tục cả ngày.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay tăng vọt 66% so với hôm qua, đạt 12.940 tỷ đồng. Nếu tính tổng giao dịch cả ba sàn bao gồm thỏa thuận, giá trị đạt 16.642 tỷ đồng, tăng 78% và lên mức cao nhất 10 phiên.
Đáng tiếc là mức thanh khoản đột biến này lại do hoạt động bán tháo. HoSE có 35 cổ phiếu đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng – chiếm 67% tổng khớp sàn này – thì 27 mã giảm từ 6% tới ngưỡng sàn. Trừ NVL, số còn lại giảm nhẹ nhất cũng từ 3% trở lên. Thanh khoản cao, biên độ giảm lớn là kết quả của hoạt động bán tháo bất chấp giá, miễn sao thoát khỏi thị trường.
Chứng khoán và bất động sản là hai nhóm có nhiều mã giảm sàn nhất và đại đa số là giảm sàn mất thanh khoản, tức là trắng bên mua. SSI, VCI, HCM, VND cũng nằm trong nhóm giảm kịch biên độ. Bất động sản thì nhiều không đếm xuể, bao gồm cả DXS, LDG, DIG, KBC, SCR, NVT, HQC, NTL, VPH... Trong nhóm sàn cũng ghi nhận cả loạt cổ phiếu thanh khoản rất cao như SSI giao dịch 461,8 tỷ đồng, DGC giao dịch 383,1 tỷ đồng, MWG giao dịch 235 tỷ, TCB với 229,4 tỷ, DIG với 240 tỷ, FRT với 275,5 tỷ...
Trong 31 cổ phiếu ngược dòng ở HoSE, lác đác vài mã đáng kể như SAB tăng 0,89% với thanh khoản 34,1 tỷ đồng; KDC tăng 0,65% với 55,4 tỷ; SAM tăng 0,52% với 15,3 tỷ. Có thể thấy nhóm tăng vừa ít, vừa yếu, lại không hút được dòng tiền bao nhiêu.
Một diễn biến khá bất ngờ nữa là nhà đầu tư nước ngoài cùng tháo chạy với nhà đầu tư trong nước. Tổng giá trị bán trên HoSE tăng vọt lên 1.775,3 tỷ đồng, quy mô bán tuyệt đối cao nhất trong vòng 2 tuần. Giá trị bán ròng đạt 439,8 tỷ đồng, cao nhất trong 3 tuần.
Ngay từ sáng khối ngoại đã bán ròng lớn khoảng 131 tỷ đồng. Tuy nhiên đến chiều lực xả tăng đột biến thêm hơn 1.178 tỷ đồng nữa. HPG bị xả khổng lồ với 232,6 tỷ đồng ròng trong khi buổi sáng mới là 107,5 tỷ ròng. Trên 14 triệu HPG bị khối này bán ra, chiếm hơn 31% tổng thanh khoản. HPG có lúc giảm chạm sàn trước khi nảy nhẹ lên và kết phiên còn giảm 6,63%. VHM cũng là mã đáng chú ý, bị bán ròng 153,2 tỷ, với lượng bán chiếm gần 62% thanh khoản. Buổi sáng VHM mới bị bán ròng chưa tới 38 tỷ đồng. Nhóm VND, STB, SSI, VIC, CTG, NVL, KDH, DXG cũng bị rút vốn rất mạnh. Phía mua ròng có VNM +95,6 tỷ, MSN +51,1 tỷ, VCB +45,5 tỷ, FRT +40 tỷ. Tuy vậy lực mua này lại quá nhỏ so với phía bán, khiến giá đều lao dốc.