Từng “làm mưa, làm gió” trên sàn chứng khoán, “siêu cổ phiếu” L14 của CTCP Licogi 14 đã giảm rất mạnh và gần như đánh mất toàn bộ thành quả của "con sóng" cuối năm 2021, sau khi trở thành mã cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn.
Cùng với cơn sốt “cổ đất” cuối năm 2021 và hấp dẫn nhà đầu tư thông qua những lời “có cánh” về những khoản đầu tư tiềm năng của Licogi 14. Đặc biệt là 2 cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư là cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp (
DIG) và cổ phiếu của Tập đoàn C.E.O (
CEO), cổ phiếu
L14 cũng như
DIG hay
CEO đều lớn nhanh như thổi.
Đỉnh cao và vực sâu
Chỉ sau hơn 3 tháng, cổ phiếu
L14 đã tăng gấp 5 lần và chạm mốc gần 440.000 đồng/cp trong phiên 12/1/2022 (giá sau khi điều chỉnh cổ tức 15% bằng cổ phiếu là 382.580 đồng/cp), trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán thời điểm đó. Còn
DIG cũng tăng gấp 4 lần sau hơn 3 tháng, thậm chí
CEO còn tăng gấp 7 lần chỉ “vỏn vẹn” trong 2 tháng.
Sau hơn 3 tháng, cổ phiếu L14 đã tăng gấp 5 lần và chạm mốc gần 440.000 đồng/cp trong phiên 12/1/2022 (giá sau khi điều chỉnh cổ tức 15% bằng cổ phiếu là 382.580 đồng/cp), trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán thời điểm đó. (Ảnh: Int)
Giai đoạn đó, trên khắp các diễn đàn chứng khoán đều bàn tán xôn xao về hiện tượng
L14, thậm chí nhiều cổ đông còn mơ về cổ phiếu này với những mức giá không tưởng. Tuy nhiên, niềm vui chẳng được tày gang khi con sóng đất nhanh chóng rút đi, kéo theo đó là các cổ phiếu bất động sản giảm mạnh, trong đó có cổ phiếu
L14.
Chưa kịp hồi về đỉnh cũ, cú “sập hầm” Thủ Thiêm và những động thái thanh lọc, giám sát thị trường trái phiếu sau sai phạm của Tân Hoàng Minh lại mang đến sóng gió cho thị trường. Cùng với đó, lãi suất tăng, dòng tiền rẻ không còn trên thị trường, cổ phiếu
L14 tiếp tục “trượt dốc” cùng toàn thị trường.
Tính từ phiên đỉnh ngày 12/1 đến ngày 11/10/2022, cổ phiếu
L14 đã lao dốc về mức 45.000 đồng/cp (giá sau điều chỉnh), tương đương mức giảm 88,2% giá trị trong vòng 9 tháng, khiến thành quả tăng giá của con sóng đầu cơ trước đó cũng gần như bị “bốc hơi” hoàn toàn và đang có nguy cơ trôi về vùng đáy một năm. Về phía nhà đầu tư, mức thiệt hại có thể còn lớn hơn con số 88,2% nếu sử dụng margin để mua cổ phiếu này.
Trong khi đó, 2 mã cổ phiếu liên quan là
DIG và
CEO cũng “thảm” không kém khi thị giá lần lượt đều chỉ còn 1/3 so với đỉnh trong vòng 9 tháng.
Hơn nữa, từ ngày 19/8, cổ phiếu
L14 còn bị HNX đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 trên BCTC bán niên soát xét là số âm. Mặc dù đã dùng “thủ thuật” để chuyển
L14 FI từ công ty con sang công ty liên kết thông qua ESOP, nhưng
L14 vẫn không đủ xóa lỗ. Trước đó, doanh nghiệp này từng gây sốc khi lãi kỷ lục hàng trăm tỷ năm 2021 nhờ 2 cổ phiếu
DIG và
CEO.
Tương lai khó đoán
Hiện tại, Licogi 14 cho biết đang nắm giữ Dự án Khu đô thị Nam Minh Phương (quy mô 54,43 ha, tổng vốn đầu tư 3.628 tỷ đồng), là dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ.
Theo Licogi 14, dự án này đang đền bù giải phóng mặt bằng. Khi giải phóng mặt bằng xong, công ty sẽ tiến hành khởi công, thi công san nền hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng xã hội sau khi được giao đất.
Tuy nhiên, với danh mục cổ phiếu bất động sản đã đi qua thời điểm thuận lợi, tiếp tục giai đoạn thoái trào và chưa biết ngày quay lại, nhiều chuyên gia dự báo ước tính mức lỗ từ chứng khoán của Licogi 14 có thể tăng thêm, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Thực tế, Licogi 14 vừa thông báo kết quả kinh doanh quý III/2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 8,12 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 77,1% về chỉ còn 62,7%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Licogi 14 ghi nhận doanh thu đạt 129,1 tỷ đồng, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 15,61 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 39,05 tỷ đồng.
Với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm 2022, tính tới 30/9/2022, tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối ghi nhận 18,6 tỷ đồng, giảm 55,8 tỷ đồng so với đầu năm.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 115,9 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 41,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 90,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 3,37 tỷ đồng.
Được biết, trước đó năm 2021, công ty cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 184,61 tỷ đồng.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Licogi 14 giảm 3,4% so với đầu năm về 553,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 205 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản; tồn kho đạt 155,9 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 71,5 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 56,1 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong đó, đáng chú ý danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh đầu năm là 0 đồng, tính tới 30/9/2022 đã là 105,3 tỷ đồng, công ty đã trích lập dự phòng giảm giá tới 68,7 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ 65,2% tổng danh mục.
Doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể nhưng nhiều khả năng danh mục cổ phiếu nắm giữ không thay đổi sau quý III.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên soát xét, thời điểm cuối quý II, Licogi 14 nắm giữ hơn 1,3 triệu cổ phiếu
CEO và 217.300 cổ phiếu
DIG với giá gốc lần lượt là 86,3 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, cả 2 khoản đầu tư này đều tạm lỗ với
CEO là 51,6 tỷ đồng và
DIG là 11,3 tỷ đồng.
Trong quý III vừa qua, cổ phiếu
CEO giảm 17,5% trong khi
DIG lại nhích nhẹ 2,3%. Do đó, khoản lỗ khi đầu tư vào
CEO có thể tiếp tục bị đào sâu, trong khi mức tăng của
DIG chưa đủ đưa Licogi 14 "về bờ".
Qua đây có thể thấy, dòng tiền đầu cơ đến bất ngờ nhưng rút đi cũng rất nhanh và chỉ có nền tảng cơ bản của doanh nghiệp mới là động lực giúp cổ phiếu tăng trưởng bền vững.