Tại dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 5% đối với các mặt hàng phân bón, trong đó có phân bón DAP.
Áp thuế xuất khẩu 5% đối với urê, phân lân, super lân, DAP, MAP…
Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất: đối với các mặt hàng phân bón urê, phân lân, super lân, DAP, MAP quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% như đã gửi xin ý kiến.
Riêng đối với phân NPK trong nước, theo Bộ Tài chính, do đã đáp ứng được nhu cầu và hiện dư thừa nhiều phải xuất khẩu nên Bộ này đề xuất quy định mức thuế xuất khẩu 0% để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Đây là điểm đáng chú ý liên quan đến thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón tại dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện và đang lấy ý kiến thẩm định từ Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều kiến nghị của một số đơn vị đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón trước tình hình các loại phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao.
Theo Bộ Tài chính, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, tại Công văn số 3662/BTC-CST, Bộ này đã đề xuất quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, dự thảo Nghị định giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.
Doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước gánh hai lần thuế
Ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinachem cho biết: Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định không gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP (Quyết định 1845/QĐ - BCT) thì lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan thì lượng phân bón DAP nhập khẩu tháng 9/2022 tăng hơn 2,2 lần so với bình quân nhập 8 tháng đầu năm 2022. Điều này gây áp lực cạnh tranh cao đối với ngành sản xuất phân bón DAP trong nước. Theo ước tính của DAP-Vinachem, sau khi không gia hạn thuế tự vệ thì thị phần giảm ít nhất 9%, giá bán phải giảm sâu hơn mức giảm thuế tự vệ do thị phần thấp đi, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận giảm 85% so với trước đây.
Hiện nay giá DAP thế giới giảm rất nhanh và sâu, kéo theo giá bán trong nước phải giảm mạnh, nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn không tăng. Giá bán xuất khẩu hiện thậm chí còn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất nhưng vẫn khó cạnh tranh với phân bón DAP Trung Quốc. Việc này khiến doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính trong giai đoạn trước mắt, khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Dây chuyền đóng bao phân bón DAP tại Công ty Công ty cổ phần DAP-Vinachem
Bên cạnh đó, ông Vũ Văn Bằng cũng phân tích thêm, Luật thuế số 71/2014/QH13 chưa được Quốc hội sửa đổi theo hướng đưa phân bón thuộc danh mục các mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, nên toàn bộ chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào phải cộng vào giá thành làm tăng giá thành sản xuất của sản phẩm, giảm sức cạnh tranh và bất bình đẳng so với hàng nhập khẩu (vì hàng nhập khẩu luôn có giá thành sản xuất thấp hơn do được hoàn thuế giá trị gia tăng).
Việc Bộ Tài chính tiếp tục đưa dự thảo đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón DAP lại càng nhân lên gánh nặng đối với sản xuất DAP trong nước.
Như vậy, đứng trên bình diện chung, sản phẩm DAP không được khấu trừ đầu vào, trong khi đó sản phẩm đầu ra cũng không còn được áp thuế tự vệ, ngoài ra còn bị áp thuế xuất khẩu 5%, như vậy toàn bộ sản phẩm DAP sẽ chịu 2 lần thiệt hại do chính sách thuế.
Ông Vũ Văn Bằng cho rằng, chính việc chịu thiệt 2 lần thuế này khiến sản phẩm DAP trong nước không thể cạnh tranh được về giá đối với DAP nhập khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mở đường cho sản phẩm DAP từ nước ngoài tràn vào Việt Nam và nhà nước bị thất thu thuế, doanh nghiệp bị thất thu nguồn ngoại tệ do hạn chế xuất khẩu.
Khi đó quyền điều tiết thị trường trong nước sẽ thuộc về các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài.
Hiện giá bán DAP xuất khẩu đang ở mức rất thấp, thậm chí xấp xỉ chi phí biến đổi. Nếu tăng thuế suất thuế xuất khẩu lên 5% thì việc cạnh tranh với DAP Trung Quốc càng khó, nếu không muốn nói là không thể xuất khẩu nổi nữa. Trong khi đó, nhu cầu phân bón DAP trong nước năm nay giảm rất mạnh, nếu không xuất khẩu được thì các đơn vị sản xuất DAP trong nước sẽ gặp khó. Hệ lụy trước mắt sẽ là sản lượng thấp, giá thành cao, càng khó để cạnh tranh; ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước. Việc không xuất khẩu được cũng khiến các đơn vị mất đi nguồn thu ngoại tệ, không cân đối được nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu – hiện cả hai loại nguyên liệu chính để sản xuất DAP trong nước là lưu huỳnh và amoniac đều phải nhập khẩu – ông Vũ Văn Bằng chia sẻ thêm.