Khác hẳn với bao nghề khác, môi giới chứng khoán là một công việc khá khắc nghiệt với nhiều thăng trầm, nhất là khi thị trường có nhiều biến động.
Nguyễn Hoài Phương, 26 tuổi, nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán thuộc Top đầu ở TP.HCM, nhớ lại thời hoàng kim khá ngắn ngủi. Chỉ cần một cuộc điện thoại ngắn hay một vài bài đăng trên Facebook, anh đã có thể tìm được khách hàng một cách dễ dàng. Ở thời điểm nhà nhà đều nhắc về chứng khoán, Phương thậm chí không cần làm gì khách hàng cũng tự tìm đến.
Những lúc đó, hoa hồng của môi giới có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Vì bên cạnh khoản hoa hồng từ phí giao dịch, thì hoạt động đầu tư cá nhân cũng rất thuận lợi, chưa kể đến những khoản thưởng hậu hĩnh từ công ty hay từ khách hàng.
Broker “lên đỉnh dò đáy”
Nhưng khi thị trường đi xuống, môi giới chứng khoán lại trở thành một nghề rất khắc nghiệt. Thu nhập của đội ngũ môi giới chủ yếu đến từ hoa hồng, trong khi lương cứng chỉ ở mức trung bình, thậm chí là thấp từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Khác với Hoài Phương, anh Phan Nhật Anh, một nhân viên môi giới làm việc tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM, đang trải qua một chặng đường khá bấp bênh. Tham gia vào thị trường những ngày đầu năm 2022, Nhật Anh chứng kiến những cú sụt giảm mạnh của thị trường.
Các cuộc gọi telesale bị từ chối thẳng thừng, những email gửi đi không hề được phản hồi. Việc tìm kiếm khách hàng trở nên vô cùng khó khăn bởi gần như nhiều nhà đầu tư vẫn trong trạng thái thua lỗ sau cú sụt giảm từ đỉnh 1.500 điểm của VN-Index còn hơn 1.000 điểm hiện nay. “Mình tham gia khi thị trường đã đạt đỉnh, tài khoản cá nhân thì thua lỗ và tìm kiếm khách hàng thì khó khăn”, Nhật Anh chia sẻ tình cảnh khó khăn hiện tại.
Doanh thu từ môi giới của các công ty chứng khoán thường chiếm từ 25-35% tổng doanh thu của toàn công ty. Để có được thành quả này không thể không kể đến sự đóng góp của những người làm công việc như Hoài Phương và Nhật Anh.
Số liệu thống kê của NCĐT ở 4 công ty chứng khoán Top đầu gồm SSI, VNDirect, VCSC và HSC cho thấy số lượng nhân sự ở các công ty này cũng trồi sụt qua nhiều năm, khi thị trường bùng nổ thì số lượng nhân sự cũng theo đà nhảy vọt và ngược lại.
Vượt bão downtrend
“Chứng khoán là ngành có tính chu kỳ rất cao. Lúc thuận lợi thì bùng nổ rất mạnh mẽ, nhưng khi thị trường ảm đạm thì cũng rất áp lực”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc vùng, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC miền Nam, chia sẻ với NCĐT.
“Như những gì chúng ta chứng kiến trong khoảng 6 tháng trở lại đây. Để gắn bó với nghề, bản thân mình có cấp độ quản lý hay các bạn môi giới trẻ mới theo nghề cũng cần xác định đây là con đường dài, rất nhiều chông gai nhưng sẽ có lúc thị trường bùng nổ trở lại”, ông Huy nói.
Là người gắn bó ở thị trường chứng khoán đã lâu, ông Huy cho rằng: “Giai đoạn thị trường giá xuống là thời điểm để tích lũy nội lực, cả kiến thức, kinh nghiệm cũng như mối quan hệ, trong đó đầu tư kiến thức là quan trọng nhất”.
Với một sự hiểu biết sâu hơn, ông Huy cho rằng chúng ta có thể sớm nhận biết các dấu hiệu của thị trường giá xuống, dự báo sớm để có chiến lược hợp lý, bảo vệ tài sản của khách hàng và cá nhân.
Ông Bùi Văn Huy cho rằng không nên dùng từ “broker” hay “môi giới” mà dùng từ “wealth advisor”, một nhà tư vấn thực thụ về quản lý tài sản để nói đến những người làm công việc này. Vì có như thế, những nhà môi giới mới có điều kiện tư vấn sâu, không dừng ở tư vấn cổ phiếu mà còn là khung trời rộng trong tập hợp các loại tài sản đầu tư. Có như vậy, tương lai các bạn mới có thể trụ lại với nghề và sống sót trong môi trường cạnh tranh cao, ở đó phí giao dịch có thể giảm về 0 đồng bất kỳ lúc nào như các nước phát triển.
Dưới góc nhìn là một nhà tuyển dụng, ông Huy cho rằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn thông qua các khóa đào tạo, các công cụ phân tích, đa dạng hóa sản phẩm cùng những chính sách lương bổng, hoa hồng phù hợp, linh hoạt là những chính sách có thể giúp các bạn môi giới đi đường dài với nghề.