Thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục sụt giảm mạnh được nhìn nhận là do những ảnh hưởng từ chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương (NHTW) các nước trước biến động địa chính trị hiện nay. Để ứng phó với thế giới trở nên bất định và khó dự đoán, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách của Việt Nam cần có những tính toán trong việc điều hành tỷ giá và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Tìm điểm cân bằng trong lãi suất và tỷ giá
IMF dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2022, tăng từ 4,7% của năm 2021 lên 8,8%, sau đó giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Theo đó nhiều tổ chức lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái.
IMF cũng dự đoán tăng trưởng toàn cầu đạt mức 3,2% trong năm 2022 và chậm lại còn 2,7% trong năm 2023. Trong đó đặc biệt khu vực châu Âu sẽ chìm vào suy thoái trong năm 2023. Fed cũng giảm dự phóng tăng trưởng nền kinh tế của Mỹ chỉ tăng 1,2% vào năm 2023 so với dự phóng trước đó là 1,7%.
Với Việt Nam, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, lãi suất và tỷ giá cũng sẽ trong xu hướng tăng. Bởi lẽ VNĐ tiếp tục chịu sức ép mất giá khi Fed tăng lãi suất USD; lãi suất trong nước buộc phải tăng để hỗ trợ cho tỷ giá và chống lạm phát; và theo đó TTCK sẽ giảm sâu. Trong khi đó, tiền từ kho bạc kẹt trong ngân hàng do giải ngân vốn đầu tư công chậm. Và như vậy lãi suất sẽ tiếp tục tăng cho đến khi giải ngân vốn đầu tư công được khai thông.
Đề cập đến việc tiền kẹt trong ngân hàng và khan tiền nhàn rỗi trên thị trường, ông Vũ Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) nói thêm, tiền kho bạc để trong hệ thống ngân hàng không được tính là tiền huy động nên ngân hàng không được cho vay lại. Nếu cuối năm nay và năm sau giải ngân tốt sẽ giảm áp lực rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính trong huy động vốn.
Chia sẻ về công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Vũ Tú Anh nhấn mạnh, ở Việt Nam tỷ giá và lãi suất luôn thông nhau nên buộc phải đánh đổi. Nếu neo vào tỷ giá thì lãi suất phải lên cao và ngược lại, để thả nổi cho tỷ giá thì lãi suất thấp. Nhưng để lãi suất cao trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp gặp khó khăn.
Do đó, nghệ thuật trong điều hành là tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Những ngày gần đây, NHNN điều hành “lãi suất lên một chút, tỷ giá mất một chút”. Đó là những điểm rất quan trọng. Nhưng NHNN còn có một công cụ nữa chưa dùng đến: công cụ lãi suất ngoại tệ.
“Tại sao kinh tế Việt Nam đang tốt, tiền vào tốt, nhưng áp lực tỷ giá lên cao như vậy, VNĐ mất giá 4,5%? Tại sao NHNN phải bơm tiền ra?”. Ông Vũ Tú Anh đặt vấn đề và cho biết do cán cân thanh toán quý II âm khoảng 5 tỷ USD từ một số lý do.
Thứ nhất từ doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI khi lãi suất USD thấp họ để tiền mở rộng đầu tư ở Việt Nam, dòng tiền không đi ra nên không gây áp lực cho thị trường. Nhưng vừa qua, Fed đã tăng lãi suất liên tục nên dòng tiền ra thực sự.
Thứ hai, người Việt chi tiêu ở nước ngoài nhiều. Trong 9 tháng đầu năm, chi cho du lịch nước ngoài của người Việt Nam lên đến 4.700 tỷ đồng, trong khi người nước ngoài vào Việt Nam chi tiêu 2.200 tỷ đồng. Cùng với đó là thâm hụt cán cân dịch vụ vận tải, hàng hóa…
Những điều đó đã gây áp lực lên thị trường, buộc NHNN có nhiều công cụ để điều hành, trong đó có việc tính toán sử dụng công cụ lãi suất với USD, không phải 0% nữa (trước đây dùng để chống đô la hóa, nhưng nay không phải quá lo lắng vì sau đó có thể vay lại). Tất nhiên thời điểm cũng cân nhắc vì những biến động địa chính trị trên thế giới.
Niềm tin với thị trường
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân trên cả nước đã đạt 42,16% kế hoạch. Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hơn 651.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy đầu tư công kỳ vọng sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023, khi xuất khẩu có xu hướng chậm lại trong bối cảnh các nền kinh tế lớn suy yếu.
Về TTCK, theo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, thị trường cổ phiếu Việt Nam đã có hơn 20 năm phát triển và ngày càng trở thành kênh dẫn vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phát triển “bùng nổ” trong giai đoạn 5 năm nay và hiện tại vẫn đang ở mức trung bình so với khu vực.
Do vậy các doanh nghiệp có dòng tiền và bảng cân đối mạnh thường trực tiếp huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường vốn. Do vậy TTCK cần có 2 điều quan trọng là niềm tin và tính minh bạch của thông tin. Vì niềm tin sẽ làm nên sức mạnh của thị trường. Có niềm tin thì nhà đầu tư sẽ không bán tống, bán tháo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nếu đầu tư ngắn hạn nhà đầu tư cần thận trọng với quyết định của mình vì thị trường còn nhiều ẩn số. Còn về lâu dài, thị trường cổ phiếu của Việt Nam đang hấp dẫn để nhà đầu tư có thể lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất năm nay gặp khó, nhưng đó “chỉ là điểm dừng” do những dư địa của xung đột, đứt gãy tạm thời của chuỗi cung ứng. Nếu chúng ta giữ niềm tin sẽ giữ được định giá của thị trường Việt Nam so với thế giới và dòng tiền thế giới vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.