• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 12:55:07 SA - Mở cửa
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/10): PHR, PNJ và ACB
Nguồn tin: VietNam Finance | 28/10/2022 7:40:59 SA
Theo Yuanta, ACB có chiến lược quản trị rủi ro thận trọng. ACB không có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp; danh mục trái phiếu của ngân hàng gồm 85% là trái phiếu chính phủ và 15% còn lại là trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
 
 
PHR: VDSC khuyến nghị tích cực với giá mục tiêu 59.800 đồng/cổ phiếu
 
Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR) đạt 1.131 tỷ đồng (giảm 11,6% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 495,36 tỷ đồng (tăng 45.6% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu quý III của PHR đạt 522,75 tỷ đồng (tăng 0,19% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 122 tỷ đồng (giảm 15,86% so với cùng kỳ).
 
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hoạt động kinh doanh mủ cao su, gỗ của PHR đã giảm tốc. Tổng doanh thu từ các mảng kinh doanh này đạt 378 tỷ đồng trong quý III và 955 tỷ trong 9 tháng, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Mảng chế biến gỗ đang gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ giảm, các nhà máy chế biến gỗ phôi và gỗ ghép hiện tại của Phước Hòa chỉ đang duy trì 50% công suất.
 
Mảng kinh doanh khu công nghiệp tiếp tục ghi nhận những phần diện tích đã ký hợp đồng thuê trong năm 2021 với tổng doanh thu trong 9 tháng đầu năm đạt 165 tỷ đồng (giảm 30,4% so với cùng kỳ) tại KCN Tân Bình và tổng doanh thu cả năm của mảng kinh doanh này dự kiến đạt 231 tỷ đồng.
 
Phần tiền đền bù vẫn là điểm nhấn trong mục thu nhập khác khi PHR đã ghi nhận 291 tỷ đồng tiền đền bù từ việc bàn giao đất cho VSIP 3 trong 9 tháng đầu năm. Theo kế hoạch PHR sẽ nhận thêm 400 tỷ đồng tiền đền bù trong quý 4, và 207 tỷ đồng còn lại sẽ được nhận và ghi nhận trong năm 2023 theo kế hoạch.
 
VDSC kỳ vọng hoạt động kinh doanh của PHR vẫn sẽ khả quan nhờ vào những lợi ích mang lại trong thương vụ VSIP 3, mảng cao su kỳ vọng phục hồi trong năm 2023 trên nền thấp của năm 2022 khi nhu cầu từ thị trương Trung Quốc hồi phục và lợi ích trong dài hạn từ thu nhập đền bù bàn giao đất tại các dự án tiềm năng khác như Lai Hưng, dự án xử lý chất thải rắn.
 
VDSC ước tính tổng doanh thu và thu nhập ròng của PHR năm 2022 lần lượt là 1.695 tỷ đồng (giảm 12,9%) và 909 tỷ đồng (tăng 90,3%). Tương ứng, EPS là 5.366 đồng. Về cổ tức năm 2022, PHR dự kiến sẽ thực hiện đợt trả cổ tức đợt 2 (phần còn lại của năm 2021 15%) và tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022 (25%) trong quý IV/2022.
 
VDSC duy trì quan điểm tích cực trong dài hạn đối với PHR. Giá mục tiêu được điều chỉnh giảm 32,3% xuống 59.800 đồng/cổ phiếu so với định giá gần nhất do điều chỉnh tăng suất chiết khấu phù hợp hơn với trong xu hướng lãi suất đang tăng nhanh thời gian gần đây, lùi tiến độ kinh doanh và tăng tỷ lệ chiết khấu cho việc được chấp thuận chủ trương đầu tư ở các KCN gồm Tân Lập I, Tân Bình mở rộng, điều chỉnh quy mô dự án VSIP 3 theo hướng thận trọng hơn.
 
Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 7,4 tỷ đồng (tăng 740% so với cùng kỳ) và 252 tỷ đồng (so với khoản lỗ 160 tỷ đồng trong quý III/2021).
 
So với quý III/2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 87% và 21%. Theo Công ty chứng khoán SSI, doanh thu thuần tăng đáng kinh ngạc như vậy là kết quả của việc mở rộng mạng lưới các cửa hàng trang sức và giá vàng tăng.
 
Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống mức thấp nhất theo quý kể từ năm 2017, ở mức 16,9% trong quý III/2022 (so với 18% trong quý II/2022), do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm vàng (sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn kim cương và đá quý), theo nhu cầu của đa số khách hàng ở các thành phố Cấp 2&3.
 
Ngoài ra, PNJ đã triển khai các chương trình khuyến mại trong kỳ để giảm lượng hàng tồn kho luân chuyển chậm. Tỷ suất lợi nhuận gộp bán lẻ đã giảm từ mức đỉnh 32% vào năm 2019 (giai đoạn trước covid) xuống còn 27% vào năm 2022.
 
SSI cũng ghi nhận xu hướng tương tự trong tỷ suất lợi nhuận gộp tại Chow Tai Fook (tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 28,6% năm 2021 xuống 22,6% năm 2022 ) khi doanh nghiệp mở rộng ở các thành phố cấp thấp hơn. Tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng trên doanh thu đạt 12,1% trong quý III/2022, cao hơn mức 11,6% trong quý 2/2022 do chi phí liên quan đến bán hàng cao hơn nhằm thúc đẩy nhiều hoạt động tiếp thị.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2022, PNJ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 25,6 nghìn tỷ đồng (tăng 104% so với cùng kỳ) và 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 132% so với cùng kỳ), hoàn thành 99% và 102% kế hoạch năm. Theo các lĩnh vực hoạt động, mảng bán lẻ (chiếm 60% doanh thu) tăng 113% so với cùng kỳ, vàng miếng (chiếm 26% doanh thu) tăng 104% so với cùng kỳ và mảng bán buôn (chiếm 12% doanh thu) tăng 85% so với cùng kỳ trong 3 quý đầu năm 2022.
 
Tại thời điểm ngày 22/9, PNJ có 354 cửa hàng, kế hoạch mở mới 21 cửa hàng Vàng và nâng cấp 19 cửa hàng Vàng trong năm nay. PNJ cũng đóng cửa sáu cửa hàng Vàng và sáu cửa hàng Bạc trong hệ thống. Ban lãnh đạo tin rằng công ty vẫn đang giữ vững lộ trình mở thêm 35 cửa hàng mới trước cuối năm.
 
Ban lãnh đạo lưu ý rằng doanh thu đạt mức cao kỷ lục vào Ngày Phụ nữ Việt Nam trong tháng 10. Ban lãnh đạo vẫn phải theo dõi chặt chẽ nhu cầu trong những tháng tới. PNJ dự đoán nhu cầu sẽ giảm tốc vào năm 2023 do áp lực lạm phát.
 
Do khách hàng của PNJ chủ yếu có thu nhập từ trung bình đến cao, tác động của lạm phát đến nhu cầu trang sức có thể thấp hơn so với phân khúc phổ thông. Trong khi đó, PNJ dự kiến sẽ duy trì tốc độ mở rộng cửa hàng trong năm tới (tăng trưởng ròng khoảng 30~40 cửa hàng mới vào năm 2023) bất chấp điều kiện thị trường, vì đây là động lực tăng trưởng dài hạn chính của công ty.
 
PNJ kỳ vọng tăng trưởng sẽ đến từ việc thu hút khách hàng mới từ các cửa hàng tư nhân quy mô nhỏ ở các thành phố cấp 1, mở rộng cửa hàng PNJ tại các thành phố cấp 2 & 3 và sự gia tăng cung cấp sản phẩm mới cho khách hàng hiện tại. Đồng thời, PNJ cần tiếp tục tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng trong năm tới. Gần đây, công ty đã tái cơ cấu quy trình sản xuất tại nhà máy Gò Vấp để tăng hiệu quả hoạt động. Một nhà máy mới với công nghệ được nâng cấp cũng đang trong quá trình chuẩn bị.
 
Cho năm 2022, SSI kỳ vọng PNJ sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 33,6 nghìn tỷ đồng (tăng 72% so với cùng kỳ) và 1,84 nghìn tỷ đồng (tăng 78,5% so với cùng kỳ), cao hơn 7% và 2% so với dự báo trước đó của SSI. Điều này có nghĩa là doanh thu thuần và lợi nhuận ròng trong quý 4 tăng trưởng lần lượt là 13,2% và 9% so với cùng kỳ (quý 4 năm 2021 ghi nhận mức cơ sở cao).
 
Trong năm 2023, SSI kỳ vọng PNJ sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 38,8 nghìn tỷ đồng (tăng 15,3% so với cùng kỳ) và 2,1 nghìn tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ). SSI giả định tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm nhẹ từ 17,4% năm 2022 xuống 17,2% năm 2023 do PNJ tiếp tục mở rộng sang các thành phố Cấp 2 & 3.
 
Với mức giá hiện tại 101.600 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu PNJ giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 14,2 lần và 12,8 lần. SSI hạ P/E mục tiêu từ 18x xuống 15x, để phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 giảm xuống và đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới là 117.300 đồng/cổ phiếu (điều chỉnh giảm từ 136.800 đồng/cổ phiếu), tương đương với tiềm năng tăng giá là 15,5%. SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PNJ.
 
ACB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 31.880 đồng/cổ phiếu
 
Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) đạt 3,6 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022 (giảm 9% so với quý trước / tăng 71% so với cùng kỳ). Lợi nhuận tăng so với cùng kỳ chủ yếu do thu nhập lãi ròng tăng và dự phòng giảm. Trong 9 tháng năm 2022, PATMI đạt 10,8 nghìn tỷ đồng (tăng 51% so với cùng kỳ), hoàn thành 94% dự báo cả năm của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
 
Tín dụng tăng trưởng 11,6% tính từ đầu năm đến nay (YTD), so với hạn mức tín dụng của ACB (tính đến thời điểm hiện tại) là 12,7%. Trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng 3,2% YTD. Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME chiếm 94% tổng dư nợ cho vay và 93% tổng huy động vốn.
 
Thu nhập lãi ròng quý III/2022 là 6,0 nghìn tỷ đồng (tăng 8% so với quý trước / tăng 33% so với cùng kỳ). Thu nhập lãi ròng 9 tháng năm 2022 là 17,1 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ). Biên lãi ròng (NIM) quý III/2022 là 4,1% (tăng 10 điểm cơ bản so với quý trước / đi ngang so với cùng kỳ).
 
Thu nhập phí ròng quý III/2022 là 867 tỷ đồng (giảm 13% so với quý trước / tăng 36% so với cùng kỳ), phần lớn là khoản phí từ banca và dịch vụ thẻ. Trong 9 tháng năm 2022, thu nhập phí đạt 2,6 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ). Thu nhập phí chủ yếu đến từ bancassurance (chiếm 57% tổng thu nhập phí) và theo sau đó là dịch vụ thẻ (15%).
 
Thu nhập khác (phần lớn là xử lý nợ xấu) đạt 124 tỷ đồng trong quý III/2022 (giảm 65% so với quý trước / nhưng tăng 193% so với cùng kỳ). Chi phí hoạt động quý III/2022 là 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với quý trước/ tăng 12% so với cùng kỳ). Tổng chi phí hoạt động đạt 7,5 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ) trong 9 tháng năm 2022.
 
Ngân hàng trích lập dự phòng 90 tỷ đồng (giảm 89% so với cùng kỳ) trong quý III/2022, trước đó ngân hàng đã hoàn nhập 267 tỷ đồng khoản trích lập dự phòng trong quý II/2022. Tính cho 9 tháng năm 2022, ACB hoàn nhập dự phòng 180 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) còn 135% (giảm 46 điểm phần trăm so với quý trước / giảm 63 điểm phần trăm so với cùng kỳ) trong quý III/2022.
 
Tỷ lệ LLR giảm một phần là do tăng ghi nhận nợ xấu sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) quý III/2022 là 1,02% (tăng 26 điểm cơ bản so với quý trước / tăng 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Tỷ lệ CASA là 24% vào thời điểm cuối quý III/2022 (giảm 90 điểm cơ bản so với quý trước / tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ).
 
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 12,3%. Nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn là 20,9%, so với quy định của NHNN là 37%.
 
Theo Yuanta, ACB có chiến lược quản trị rủi ro thận trọng. ACB không có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp; danh mục trái phiếu của ngân hàng gồm 85% là trái phiếu chính phủ và 15% còn lại là trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
 
Chất lượng tài sản vững chắc. Mặc dù tỷ lệ NPL tăng vào quý III/2022, nhưng vẫn ở mức thấp. NPL tăng chủ yếu do Thông Tư 14 hết hiệu lực, mà theo Yuanta điều này sẽ tác động lên cả toàn ngành ngân hàng.
 
Tỷ lệ CASA cao nhưng đang trong xu hướng giảm. Yuanta cho rằng các ngân hàng khác cũng sẽ chịu những ảnh hưởng tương tự do thanh khoản bị siết chặt. ACB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022 là 1,2 lần. ACB có kết quả kinh doanh vượt trội với ROE năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt 23% (so với trung bình ngành là 20%) và chất lượng tài sản tốt hơn so với ngành. Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với ACB.