Mặc dù vậy, việc đồng USD lên giá vẫn khiến cho Vietnam Airlines phải chịu gánh nặng lỗ tỷ giá gần 1.100 tỷ đồng.
Tổng Công ty hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán
HVN) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 21.156 tỷ đồng – tăng gần 350% so với cùng kỳ năm trước và "mấp mé" mức trước dịch. Dù biên lợi gộp chỉ đạt 0,8% nhưng đây là quý đầu tiên kể từ đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lãi gộp trở lại với 165 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, việc đồng USD lên giá vẫn khiến cho Vietnam Airlines phải chịu gánh nặng lỗ tỷ giá gần 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó là sự tăng vọt của chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khi hoạt động hàng không hồi phục trở lại.
Kết quả cuối cùng, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 2.546 tỷ đồng trong quý 3/2022, giảm lỗ gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 2.623 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đạt hơn 51.107 tỷ đồng – tăng 173% và lỗ sau thuế 7.784 tỷ đồng, giảm 4.370 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm trước. Tính đến ngày 30/09/2022, công ty đã lỗ lũy kế 31.547 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 7.510 tỷ đồng.
Vietnam Airlines giải trình các nguyên nhân giúp cho các khoản lỗ sau thuế của Công ty mẹ và Hợp nhất giảm so với cùng kỳ.
Đối với Công ty mẹ, Tổng doanh thu và thu nhập khác Quý 3/2022 tăng mạnh 293% so với quý 3/2021 (tăng hơn 11.067 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 394%, tương đương tăng hơn 11.597,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do thị trường phục hồi mạnh sau khi Chính Phủ thực hiện chính sách mở cửa.
Tổng chi phí Quý 3/2022 tăng 160% tương đương tăng 10.504 tỷ đồng so với Quý 3/2021 chủ yếu do chi phí nhiên liệu tăng (giá nhiên liệu bình quân quý 3/2022 tăng gấp 1,8 lần so với quý 3/2021) và chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi tiền vay và chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá) tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của Quý 3/2022 cao hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí; lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh (giảm lỗ 90%) tuy nhiên do lỗ từ hoạt động tài chính tăng mạnh dẫn đến lỗ sau thuế của Công ty mẹ chỉ giảm được 562,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đối với kết quả hợp nhất, lỗ sau thuế hợp nhất Quý 3/2022 giảm so với Quý 3/2021 chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.
Theo Vietnam Airlines, các khoản lỗ sau thuế TNDN đang trong lộ trình giảm so với Quý 2 và Quý 1/2022. Đây là kết quả bước đầu khả quan sau khi Vietnam Airlines chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh covid và cải thiện kết quả SXKD và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga- Ukraine và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong Quý 3 và 09 tháng đầu năm 2022.
Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động SXKD của Vietnam Airlines cũng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Được biết, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2022 Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ cả năm 2022 là 9.335 tỷ đồng. Mặc dù vẫn dự kiến lỗ, đại diện của doanh nghiệp khá tự tin khi nói rằng: “Vietnam Airlines sẽ cố gắng bằng mọi giải pháp để duy trì việc niêm yết cổ phiếu
HVN trên sàn HOSE. Quy định hủy niêm yết nhằm thanh lọc thị trường, loại bỏ các sản phẩm xấu để bảo vệ nhà đầu tư. Trong khi đó, Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn bởi điều kiện bất khả kháng chứ không do vi phạm các quy định về công bố thông tin”.
Năm 2021, Vietnam Airlines từng đề xuất một đặc cách không hủy niêm yết trên HOSE dù âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên sau đó, bằng các giải pháp “nỗ lực tự thân” với sự hỗ trợ từ Chính phủ, hãng bay đã không phải sử dụng đến đặc cách này.