• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 5:44:49 CH - Mở cửa
Đề nghị gỡ vướng cho hàng loạt dự án bất động sản phía Nam
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 10/11/2022 3:54:41 CH
Ngoài nguồn vốn, việc sớm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản ở thời điểm này sẽ củng cố niềm tin đối với doanh nghiệp vào chính quyền, tăng nguồn cung nhà ở và tạo "cú huých" đối với thị trường vốn đang ảm đạm.
 
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời. Song song, các doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực tái cấu trúc, cơ cấu, tập trung đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực.
 
Trên thực tế đã có một số tập đoàn, DN BĐS lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ, mất thanh khoản.
 
Do đó, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và các địa phương sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công; cổ phần hóa DN Nhà nước; di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017; thuộc diện rà soát pháp lý (64 dự án ở TP.HCM).

 
Nhiều dự án BĐS ở TP.HCM nằm bất động vì vướng mắc pháp lý. Ảnh: Vũ Phạm
 
Quá trình xử lý các dự án rà soát pháp lý, ông Châu đề nghị thu hồi triệt để tài sản Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực và các DN có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách Nhà nước. Qua đó, các dự án sẽ tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế, tăng nguồn cung nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường. 
 
Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành tập trung xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho hơn 116 dự án, để tăng nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. 
 
Đồng thời, vị Chủ tịch HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn khoảng 10 tập đoàn, DN địa ốc lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý để tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và "cú huých" cho thị trường.
 
Ghi nhận của Nhadautu.vn cho thấy, hơn 6 năm qua, chuyện các dự án BĐS bị ách tắc ở TP.HCM đã được bàn đến nhiều, nhưng vẫn chưa có lối ra.
 
Đơn cử như câu chuyện của Novaland. Đầu năm 2020, Novaland đã có đơn gửi Bộ Xây dựng để xin tiếp tục thực hiện dự án cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21.
 
Phía Novaland cho biết, DN mong muốn được tiếp tục phát triển dự án Khu dân cư hơn 30ha thuộc phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức. Bởi, dự án này đã đủ điều kiện bán hàng và được đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
 
Trong đơn gửi Bộ Xây dựng, DN đã chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng các phương án để thực hiện. Song, sau khi nghiên cứu, tháng 3/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời với nội dung giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM. UBND TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với DN BĐS nhằm tìm hướng giải quyết các dự án vướng mắc nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa tháo gỡ.
 
Tương tự là câu chuyện của Him Lam. Năm 2016, sau khi ra mắt thị trường BĐS TP.HCM với dự án Him Lam Phú An (TP. Thủ Đức) đến nay, DN này không có dự án nào mới dù sở hữu nhiều quỹ đất ở TP.HCM. Điển hình trong số đó là dự án chung cư ở quận 7 và dự án ở đường Thi Sách, quận 1. Cả 2 dự án này đều chưa được cấp phép do có một số vướng mắc trong quy định. Thậm chí, DN cũng phải bán đi các quỹ đất để tồn tại.
 
Trong khi, 7 năm qua, Phúc Khang không có dự án nào mở bán và đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong phát triển.
 
Năm 2015, sau khi triển khai dự án Diamond Lotus tại quận 8, DN triển khai tiếp một dự án tại quận Tân Phú. Dù đã mở bán vào năm 2016, 2017, nhưng đến nay, dự án này vẫn đang "đứng hình".
 
Một dự án khác tại TP. Thủ Đức của đơn vị này chào hàng thị trường năm 2019, thi xong phần hầm, móng nhưng cũng đã ngưng vì "gặp khó" trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
 
Không chỉ những DN nêu trên, hàng loạt DN địa ốc khác ở TP.HCM cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Việc sớm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án giúp thị trường tăng nguồn cung nhà ở, đa dạng phân khúc, cũng là "cởi trói" cho các DN địa ốc, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn bị siết chặt.