Thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu trước những thông tin rủi ro tắc nghẽn thanh khoản trên thị trường vốn. Hiện tại, những chính sách để hỗ trợ thanh khoản, lấy lại niềm tin trong thị trường trái phiếu nói chung và thị trường tài chính nói riêng đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.
Tuần qua (7-11/11), chỉ số VN-Index dừng tại 954,53 điểm, mất 42,62 điểm, giảm 4,3% so với tuần trước đó, cũng là tuần giảm điểm nhanh nhất trong 5 tuần gần đây. Về thanh khoản, giá trị giao dịch trên HoSE vẫn duy trì ở mức nền thấp: 8.300 tỷ đồng/phiên (-5,2%).
Thanh khoản vẫn… nghẽn
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, thanh khoản bình quân toàn thị trường là 11.500 tỷ đồng/phiên, chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn đầu năm 2022. Còn về điểm số, VN-Index hiện có mức giảm 36% so với đầu năm và là chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới.
Từ nay đến cuối năm, nút thắt thanh khoản được nhận định là vấn đề khiến nhà đầu tư quan tâm hơn là diễn biến của VN-Index hay hệ số định giá P/E.
Nhìn chung, mặc dù cùng xu hướng giảm điểm với thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới trong thời gian qua, song TTCK Việt được đánh giá là giảm khá sốc, bởi thực tế hiện nay, dòng tiền cạn kiệt.
Nguyên nhân được cho là sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền trên TTCK gặp rủi ro cạnh tranh với kênh tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn ở kênh trái phiếu, do thanh khoản của thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng từ những vụ việc xử lý vi phạm tại các tập đoàn lớn tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Theo thống kê của ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư Quỹ IPAAM, lượng trái phiếu sắp đáo hạn trong tháng 11 và 12 tới đây có thể lên đến vài chục ngàn tỷ đồng (trừ các ngân hàng). Sang đến quý I/2023, lượng trái phiếu đáo hạn còn cao hơn như vậy.
“Trong tháng 11 và tháng 12 sắp tới, thanh khoản trên toàn hệ thống có phần giảm sút”, Giám đốc đầu tư Quỹ IPAAM nhận định.
Ngoài ra, diễn biến giảm điểm của thị trường khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng giao dịch ký quỹ (margin), đồng thời số lượng tài khoản mở mới theo tháng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
“Trong giai đoạn hiện nay, dòng tiền đổ vào TTCK rất yếu. Từ nay đến cuối năm, nút thắt thanh khoản được nhận định là vấn đề khiến nhà đầu tư quan tâm hơn là diễn biến của VN-Index hay hệ số định giá P/E”, ông Lâm Gia Khang - phụ trách chiến lược thị trường, Chứng khoán VietinBank nhận xét.
Giải bài toán thanh khoản
Giới phân tích cho rằng, thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đang quan tâm đến câu chuyện về thanh khoản, tức là sự gia tăng hay thu hẹp của dòng tiền. Chừng nào nút thắt thanh khoản được gỡ bỏ, cơ hội bắt đáy hay hồi phục thị trường sẽ đến.
Vậy, làm sao để "gỡ rối" cho thanh khoản?
Ông Mai Cường - Phó giám đốc Khối Phát triển kinh doanh, PVI AM nhấn mạnh, yếu tố vĩ mô chỉ tác động dài hạn, để khơi thông dòng vốn trong ngắn hạn thì điều quan trọng nhất là xử lý về khủng hoảng về niềm tin trên thị trường.
Đồng quan điểm, Giám đốc Đầu tư IPAAM cho rằng, dòng vốn liên tục chảy song lại đang có dấu hiệu tạm dừng do niềm tin bị lung lay, vấn đề nằm ở chỗ các cơ quan quản lý cần có những quỹ để tham gia thị trường nhằm bù đắp về thanh khoản cho những nhà đầu tư bị lung lay vì niềm tin. Đây là yếu tố rất cần thiết, nhà đầu tư dù là tổ chức hay cá nhân đều rất chờ đợi các cơ chế từ cơ quan quản lý.
Thực tế, trước những thông tin tiêu cực và nhiều tin đồn chưa được kiểm chứng đã khiến tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước trở nên “mong manh”, dẫn tới hiệu ứng sợ hãi và liên tục báo tháo đưa tài khoản về tình trạng “nằm chờ”, gây ảnh hưởng lớn đến thanh khoản cho TTCK.
"Tính minh bạch của thông tin là cần thiết, các cơ quan quản lý sẽ là người ra các thông tin chính thống trên thị trường, đồng nghĩa các nhà phát hành phải có thông tin chính thống để nhà đầu tư có thể an tâm hơn, qua đó mới có sự phát triển bền vững được. Khi niềm tin đã quay trở lại, mọi thứ sẽ quay trở lại", ông Cường nói.
Mặt khác, thời điểm hiện tại, do việc ưu tiên kiềm chế lạm phát được đặt lên hàng đầu nên thanh khoản không hẳn là quá cạn kiệt. Song, do kết hợp với một số yếu tố phát sinh trong tháng 10 vừa qua làm cho vòng quay tài sản có phần chậm lại, dẫn đến thanh khoản có một cú hẫng sụt xuống.
Ông Cao Minh Hoàng cho rằng, ở một số thị trường quốc tế thường lập ra các quỹ bình ổn trái phiếu, nhưng đối với Việt Nam, quỹ như vậy chưa có. Vì vậy, nên nghiên cứu dần các mô hình có thể áp dụng trong tương lai để làm sao thị trường có kênh thanh khoản tốt khi gặp các biến động lớn trên thị trường.
Nhận định về xu hướng dòng tiền trong thời gian tới, theo SSI Rerearch, nhìn chung kỳ vọng tích cực của TTCK Việt Nam trong dài hạn vẫn tương đối lớn và do vậy sẽ là yếu tố hỗ trợ xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất trong tháng 11. Bên cạnh đó, lạm phát tháng 10 ở Mỹ giảm mạnh hơn dự báo có thể sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chuyển sang một lập trường bớt cứng rắn hơn.
“Đây là điều mà thị trường đã chờ đợi từ lâu. Tiền đang đợi sẵn để nhảy vào thị trường”, chiến lược gia trưởng Shane Oliver của AMP Capital chia sẻ với hãng tin Reuters.
Về cơ bản, lạm phát tại Mỹ không giống lạm phát tại Việt Nam bởi sự khác biệt về trọng số trong rổ chỉ số giá tiêu dùng, những tín hiệu tích cực từ Fed có thể sẽ tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ cải thiện dòng tiền vào TTCK.