Tham vọng đầu tư ra nước ngoài của Hoà Bình Group có từ nhiều năm trước nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Và dường như tham vọng này càng khó thực hiện khi bức tranh tài chính của Hoà Bình Group xuất hiện nhiều gam màu tối đáng lo ngại.
Nợ vay tài chính vượt mốc 6.500 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, tại thời điểm 30/9, tổng nguồn vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hoà Bình Group; HOSE:
HBC) đạt 18.683,3 tỷ đồng, tăng 11,2% so với hồi đầu năm.
Tập đoàn Hoà Bình Group của ông Lê Viết Hải xuất hiện nhiều gam màu tối trong bức tranh tài chính.
Tuy nhiên, nguồn vốn của Hoà Bình Group chủ yếu hình thành từ nợ phải trả với mức hơn 14.913 tỷ đồng, tăng 18,6% so với hồi đầu năm. Trong khi đó vốn chủ hữu lại giảm 10,8% xuống mức hơn 3.770 tỷ đồng, chỉ chiếm 20,2% vốn của Hoà Bình Group. Điều này khiến cơ cấu vốn của Hoà Bình Group đang mất cân đối khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao gần 4 lần.
Đáng lo ngại, nợ vay tài chính của Hoà Bình Group hơn 50% so với hồi đầu năm lên mức 6.566 tỷ đồng ở cuối quý III/2022. chủ yếu là từ ngân hàng. Nợ vay ngắn hạn là 5.496 tỷ đồng và dài hạn là 1.070 tỷ đồng.
Nợ vay dài hạn chủ yếu là trái phiếu với hơn 987 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh nắm giữ.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hiện Hoà Bình đang lưu hành 2 lô trái phiếu HBCH2126001 và HBCH2225001 được phát hành vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022, có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm, do Công ty TNHH Chứng khoán ACB làm tổ chức đăng ký/lưu ký.
Lô trái phiếu HBCH2126001 được bảo đảm bằng Cổ phiếu của Hoà Bình Group –
HBC; Lô trái phiếu HBCH2225001 lại được bảo đảm bằng bảo lãnh thanh toán bởi Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam.
Theo Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 9 tháng đầu năm, Hoà Bình Group vay tổng cộng 8.910 tỷ đồng, đồng thời trả nợ gốc vay 7.441 tỷ đồng. Điều này khiến chi phí lãi vay tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức gần 358 tỷ đồng.
Các khoản phải thu chiếm hơn 80% khối tài sản
Mặc dù khối tài sản của Hoà Bình Group ghi nhận mức tăng trưởng hơn 11% so với hồi đầu năm lên mức 18.683,3 tỷ đồng nhưng các khoản phải thu chiếm tỷ trọng rất lớn.
Cụ thể, tính đến cuối quý 3/2022, các khoản phải thu của Hoà Bình Group đạt mức mức gần 15.065 tỷ đồng, tăng 13,7% so với hồi đầu năm chiếm tới 80,6% tổng tài sản doanh nghiệp. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15,4% lên mức 13.355,4 tỷ đồng; Các khoản phải thu dài hạn tăng gần 2 lần lên mức 122,5 tỷ đồng.
Các khoản phải thu tăng mạnh khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hoà Bình Group ghi nhận âm 1.331,2 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (cùng kỳ năm ngoái dương 896 tỷ đồng). Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng ghi nhận âm 319,3 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền từ hoạt động tài chính của Hoà Bình Group dương gần 1.501 tỷ đồng nên dòng tiền thuần của Hoà Bình Group chỉ âm gần 150 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, Hoà Bình Group đạt 10.905 tỷ doanh thu thuần, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế giảm 16,5% xuống mức 61,2 tỷ đồng; lãi ròng công ty mẹ đạt 63,6 tỷ đồng, giảm 21% với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, Hòa Bình Group đặt mục tiêu với 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, Hoà Bình Group đã đạt 62,6% tiến độ doanh thu và mới 17,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong bối cảnh, ngành xây dựng đang gặp phải nhiều thách thức mới bởi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.
Đặc biệt, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Hòa Bình Group là 4 lần thì mục tiêu 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vẫn là một bài toán khó đối với Tập đoàn này.
Tham vọng lãi tỷ USD của Hoà Bình Group
Tại phiên họp thường niên ngày 25/4/2022, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT cho biết, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đến năm 2032 của Hoà Bình Group lần lượt là 20 tỷ USD và 1 tỷ USD.
Để đạt được các cột mốc này thì Hoà Bình không thể không ra nước ngoài", ông Hải nói, đồng thời cho biết trong quý này hai văn phòng tại Sydney, Brisbane (Australia) và Texas (Mỹ) sẽ hoạt động.
Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Group thừa nhận, tham vọng ra nước ngoài của Hoà Bình Group có từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa thành công. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh nên công ty tạm ngưng rót vốn vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dân dụng suốt hai năm qua để bảo toàn vốn. Phần còn lại chính vì công ty thiếu và yếu một số mặt như tiềm lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, nhân lực có trình độ ngoại ngữ và chứng chỉ chuyên môn quốc tế.