Sóng gió liên tục bủa vây thị trường khi VN-Index giảm xấp xỉ 40% kể từ đỉnh, đồng thời “cuốn trôi” những thành quả đạt được trước đó. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư âm vốn nặng nề, nhất là những nhà đầu tư không chuyên đã thua lỗ nặng tới 50 - 80% giá trị khi nắm giữ cổ phiếu từ đầu năm.
Gần một tháng nay, anh Chu Giang (Hà Nội) mới “dám” mở tài khoản của mình để kiểm tra biến động danh mục cổ phiếu. Mặc dù tâm lý đã bình ổn trở lại, song anh vẫn không khỏi choáng váng khi số vốn 1 tỷ đồng tích góp trong nhiều năm giờ đây “bay” chỉ còn khoảng 300 triệu đồng. So với một tháng trước đó, tài khoản của anh tiếp tục giảm thêm khoảng 20% giá trị.
Lao đao vì “downtrend”
Có thể thấy, cơn lốc “downtrend” của thị trường từ đầu năm đến nay đã cuốn theo rất nhiều nhà đầu tư ra khỏi thị trường chứng khoán (TTCK). Và anh Giang cũng được xem là nhà đầu tư có ý chí bám trụ với thị trường, khi mà các cổ phiếu được dự báo trong đà giảm kéo dài, anh vẫn miệt mài “ôm chặt” để chờ thời.
Với suy nghĩ “chưa bán là chưa lỗ” khiến những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm trở thành cổ đông dài hạn bất đắc dĩ khi vô tình “lướt sóng”.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Giang cho biết, anh mới chỉ đầu tư vào cổ phiếu từ đợt đầu năm 2022 khi nghe các đồng nghiệp rỉ tai về việc mua bán cổ phiếu “ngon ăn”, dễ kiếm lời. Do đó, khi cổ phiếu “quay xe”, cắt lỗ là việc thực sự khó khăn với một F0 như anh, vì tâm lý không cam tâm bán tháo cổ phiếu dưới mức giá đã mua, thậm chí qua bao lần cho là “đáy”. Anh đã bán chiếc xe ô tô của mình để dồn tiền mua thêm hạ trung bình giá cổ phiếu với hy vọng “gỡ gạc” khi cổ phiếu tăng giá trở lại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù không đầu tư theo kiểu “trading”, nhưng kiểu “dò đáy” này cũng khiến nhà đầu tư, mà ở đây cụ thể là anh Giang, ngày càng chìm sâu trong thua lỗ. Và để có thể “về bờ” có lẽ là khoảng thời gian tính bằng năm, vì nhiều cổ phiếu trong danh mục của anh đã thua lỗ hơn 60% so với thời điểm mua vào.
“Giá như số tiền đầu tư đó, tôi để trong ngân hàng lấy lãi hàng tháng thì giờ này đâu đến nỗi thua lỗ nhiều thế”, anh Giang bùi ngùi.
Không may mắn như anh Giang mua cổ phiếu bằng tiền “thịt” của mình, chị Ánh Ngọc (Hải Phòng) đang phải xoay xở tài chính để trả lãi cho công ty chứng khoán do dùng “margin”. Thậm chí, chị còn không thể bán được cổ phiếu vì lỡ nắm giữ bộ đôi NVL (Novaland) và PDR (Phát Đạt) đang rơi vào tình trạng giảm sàn nhiều phiên liên tiếp và “tắc” thanh khoản.
“Trước mắt, tôi đang vay tiền người thân để trả lãi cho công ty chứng khoán, cầm cự được chừng nào hay chừng đấy. Nếu thị trường còn tiếp diễn tiêu cực thế này, tôi chưa biết giải quyết ra sao”, chị Ngọc buồn bã.
Đầu tư giỏi là vẫn còn tiền làm “ván mới”
Trên thực tế, anh Giang và chị Ngọc không phải là nhà đầu tư F0 hiếm hoi bị thua lỗ nặng trong bối cảnh TTCK diễn biến tiêu cực từ đầu năm đến nay. Những nhà đầu tư như họ, thời gian đầu, nghe theo những lời có cánh mà “lao đầu” vào thị trường như con thiêu thân, bất chấp không hiểu gì về chứng khoán, chỉ cần được phím “ba chữ cái” là vội vàng “xuống tiền”. Họ cũng đã may mắn kiếm được số tiền kha khá từ những “siêu cổ phiếu” một thời, đâu đó còn có những suy nghĩ bỏ việc làm chính để chuyên tâm “chơi” chứng khoán.
Song, khi thị trường quay đầu, họ ngỡ ngàng và bối rối, loay hoay không biết phải xử lý danh mục ra sao. Thậm chí với suy nghĩ “chưa bán là chưa lỗ” đã khiến họ trở thành cổ đông dài hạn bất đắc dĩ khi vô tình “lướt sóng”.
Chuyên gia cho rằng, khi mới bước vào TTCK, nhà đầu tư F0 thường mắc phải một số sai lầm như đầu tư kiểu hên xui, không gồng lỗ và cắt lỗ, không có mục tiêu đầu tư cụ thể… và nhất là đầu tư theo đám đông, dám dùng số tiền lớn mua cổ phiếu mà chưa hiểu rõ. Cho nên, khi thị trường quay đầu giảm sâu, họ thường rơi vào tâm lý hoang mang, phập phồng lo sợ trước diễn biến thị trường. Từ đó đưa ra những quyết định gây ảnh hưởng đến thị trường chung, cũng như chính tài sản của mình.
Theo ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT, TTCK downtrend lấy đi của nhà đầu tư rất nhiều thứ. Không chỉ riêng tiền bạc, mà còn lấy sự bình an trong tâm hồn của rất nhiều người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khuyên nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Quan trọng nhất, nhà đầu tư cần nhận diện được chu kỳ kinh tế và phân bố tỷ trọng tài sản vào cổ phiếu phù hợp. Bởi trong đầu tư vốn dĩ vẫn cần có một chút mạo hiểm, những người quá rụt rè và cẩn thận sẽ không nắm bắt được những cơ hội tốt trên TTCK.
“Khi đi qua những chu kỳ của thị trường, hiệu suất tích luỹ dần dần đi lên, đó mới là phương pháp đầu tư bền vững. Nhà đầu tư giỏi không phải là người không bao giờ sai, mà là sau khi thị trường kết thúc chu kỳ đi xuống, họ vẫn còn tiền để tiếp tục “ván mới”, ông Quang nêu quan điểm.
Ở thời điểm hiện tại, rất khó dự đoán thị trường trong ngắn hạn khi còn nhiều yếu tố bất lợi bủa vây. Việc “trading” hay “bắt đáy” trong thời điểm này vô cùng rủi ro, nhất là với những nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm. Cho nên, nếu xác định “bám trụ” lại thị trường lúc này thì cần tầm nhìn dài hạn. Trong tầm nhìn 2-3 năm tới, khi nền kinh tế đã “hòm hòm” một số rủi ro như bong bóng bất động sản, trái phiếu thì TTCK sẽ “sáng” trở lại. Nhìn lại quá khứ, sau giai đoạn 2010 – 2013 cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, bắt đầu từ năm 2014, TTCK đã tạo đáy và bật tăng gấp 3 lần.
“Đây sẽ là một cơ hội có thể lớn nhất của TTCK Việt Nam trong 10 năm tiếp theo. Khi bài toán về thanh khoản đã được giải quyết triệt để, những người ở lại sẽ có được thành quả lớn. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm dòng tiền mới để tiếp tục “cuộc đua” dài hạn này”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT khuyến nghị.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần lập kế hoạch cụ thể trước khi rót tiền vào chứng khoán. Nên bắt đầu với số vốn vừa phải, không nên thử sức với số tiền lớn để tránh những rủi ro mất trắng. Đồng thời, cần nâng cao kiến thức về TTCK để đưa ra những quyết định đúng đắn.