Rung lắc có chiều hướng xuất hiện còn nhiều hơn so với phiên sáng hôm qua với ít nhất 2 nhịp giật xuống. Nguyên nhân vẫn đến từ việc các cổ phiếu VN30 đang chưa nhập cuộc rõ rệt.
Ảnh minh họa
VN30 đang vận động dựa vào nguồn tiền của nhà đầu tư ngoại. Tính từ đầu tháng 11 khối ngoại đã mua ròng gần 10.000 tỷ đồng trong khi mua ròng cả HOSE là hơn 14.000 tỷ đồng.
Nếu khối này tăng cường giải ngân thì chỉ số này cũng thể hiện rất tốt vai trò dẫn dắt tâm lý chung nhưng nếu khối ngoại có sự chững lại thì chỉ số cũng dễ phải đối diện với các nhịp rung lắc.
Ở phiên sáng hôm qua, khối ngoại đã tham gia khá tốt nhưng chỉ đến phiên chiều với lực mua dồn dập, VN30 mới thực sự thoát khỏi trạng thái bị tiền nội ghìm xuống.
Trong sáng nay, quy mô giải ngân là thấp hơn nên rung lắc xuất hiện với tần suất còn nhiều hơn. Tính từ đầu phiên, đang có 2 nhịp giật xuống dưới tham chiếu. Còn khối ngoại mới giải ngân khoảng 100 tỷ đồng tính đến 10h.
Lượng tiền vẫn phân bổ chủ yếu cho nhóm VN30 nhưng rõ ràng là chưa đủ ấn tượng để kéo các cổ phiếu chủ chốt trong rổ duy trì được đà tăng của phiên hôm qua. Đây là nguyên nhân khiến cho VHM (-0,4%), VNM (-1%), VRE (+0,3%), VIC (-0,4%), HPG (+0,9%) chủ yếu chỉ giằng co.
Thực tế, rổ vẫn đang có được các mã tăng mạnh như NVL (+6,9%), PDR (+6,6%), KDH (+6,8%) cùng tăng trần nhưng tác động lên thành quả chung là khó được ghi nhận.
VN-Index tính đến 10h30 đang giao dịch trên mức tham chiếu và có sự phân hóa khá mạnh. Nhóm tăng trần vẫn xuất hiện các trường hợp như HPX, MIG, EIB, DGW, ITA, PET, APG, TDC, DXG trong đó HPX đang có sự đột biến về giá trị giao dịch khi đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch của sàn đang đạt gần 5.000 tỷ đồng. Dù thấp hơn phiên hôm qua nhưng đây vẫn là mức cao hơn bình quân 1 tháng.
Trên HNX, rung lắc ít xuất hiện hơn nhưng biên độ của chỉ số HNX-Index cũng đang là khá hẹp dưới 0,5%. Điều này vẫn chưa đủ xác nhận cho việc lan tỏa của xu hướng lan tỏa sang các cổ phiếu Midcap và Penny.