Nhịp rơi mạnh của một số cổ phiếu trụ từ sau 2h chiều nay có lúc đẩy VN-Index xuống dưới cả tham chiếu. Tuy nhiên hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, bất ngờ rất dễ xảy ra và các trụ cuối ngày kéo mạnh chỉ số VN30 lên, khiến VN-Index hưởng lợi phần nào...
VN-Index có một nhịp rơi rất nhanh xuống dưới tham chiếu chiều nay, nhưng cổ phiếu ngân hàng giữ nhịp rất tốt.
Nhịp rơi mạnh của một số cổ phiếu trụ từ sau 2h chiều nay có lúc đẩy VN-Index xuống dưới cả tham chiếu. Tuy nhiên hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, bất ngờ rất dễ xảy ra và các trụ cuối ngày kéo mạnh chỉ số VN30 lên, khiến VN-Index hưởng lợi phần nào.
VN30-Index đóng cửa tăng 1,13% với VPB tăng kịch trần. Loạt cổ phiếu ngân hàng khác như MBB tăng 4,41%, VCB tăng 0,89%, TCB tăng 2,43%, VIB tăng 1,94%, HDB tăng 1,82%, CTG tăng 1,25% là những cổ phiếu kéo điểm số rất mạnh cho chỉ số này.
VPB tiếp tục là cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường buổi chiều khi khớp thêm hơn 26 triệu cổ nữa tương đương 472,3 tỷ đồng để quét sạch dư bán giá trần. Riêng đợt ATC mã này khớp tới trên 7,77 triệu cổ và hoàn toàn là giao dịch của nhà đầu tư trong nước. Tính chung cả ngày, VPB thanh khoản 66,73 triệu cổ, đạt 1.203,8 tỷ đồng giá trị khớp lệnh chưa kể gần 7,2 triệu cổ thỏa thuận với 128 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giữ nhịp rất tốt cho thị trường, đặc biệt khi xuất hiện một nhịp giảm khá đột ngột trong khoảng 2h tới 2h15. VN-Index từ 1.060.77 điểm rơi tuột xuống 1.049,59 điểm tương ứng giảm 1,1% chỉ trong vòng 15 phút và chớm qua cả tham chiếu.
Cổ phiếu ngân hàng thanh khoản rất cao hôm nay.
VHM ảnh hưởng đáng kể nhất, rơi từ 52.600 đồng xuống 50.900 đồng, giảm 3,23%. Cổ phiếu này cuối phiên tiếp tục bị ép mạnh lần nữa và đóng cửa còn 50.700 đồng, giảm 4,34% so với tham chiếu. GAS cũng có nhịp rớt 1,86% trong 15 phút này, nhưng đóng cửa cải thiện nhẹ, chỉ còn giảm 1,12% so với tham chiếu. VCB là mã duy nhất trong nhóm ngân hàng biến động lớn thời điểm đó, giảm khoảng 2,24% dù giá vẫn trên tham chiếu và đóng cửa tăng nhẹ 0,89%. MSN có khoảng 10 phút bị ép mạnh với nhịp giảm 2,86% nhưng đóng cửa được đẩy ngược lên và kết phiên tăng 2,29%. VNM cũng có nhịp rơi gần 1,3%.
Điều may mắn là các cổ phiếu bị ép ở nhịp lùi nói trên chủ yếu gây ảnh hưởng rõ nét lên VN-Index, còn VN30-Index vẫn được các cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ. FPT, MWG, HPG cũng khá ổn định trong 15 phút rối loạn nói trên.
Tổng thể nhóm blue-chips vẫn có vai trò giữ nhịp rất rõ nét, có thể nhằm vào phiên đáo hạn phái sinh. Tuy vậy độ rộng tích cực trong nhóm VN30 với 19 mã tăng/8 mã giảm và thanh khoản tăng mạnh 21% so với hôm qua. Dù VPB giao dịch khá đột biến, nhưng toàn nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng khá mạnh. Đây là nhóm dẫn dắt nên việc các mã này tăng tất yếu ảnh hưởng tới điểm số. VN-Index chịu ảnh hưởng bất lợi từ VHM và GAS, NVL nhiều hơn là VN30-Index nên điểm số hạn chế. Midcap tăng yếu 0,55% với thanh khoản giảm 17%, Smallcap tăng 0,28% và thanh khoản giảm 9%.
Khối ngoại chiều nay cũng tăng mua tốt hơn. Khoảng 690,2 tỷ đồng được khối này giải ngân thêm trên HoSE, trong khi bán ra chỉ tăng thêm 438,4 tỷ đồng. Nhờ phiên chiều, vị thế ròng cả ngày đạt +317,8 tỷ đồng. Mặc dù mức mua ròng đã phục hồi lại đáng kể từ con số +28 tỷ đồng hôm qua, giá trị tuyệt đối giải ngân vẫn tiếp tục giảm xuống. Toàn sàn HoSE phiên này chỉ còn được mua vòa 1.132,5 tỷ đồng.
Thanh khoản chung trên hai sàn khớp lệnh hôm nay cũng tiếp tục tụt xuống còn 12.281 tỷ đồng. Giao dịch ngày càng giảm khiến tình trạng phân hóa cổ phiếu sâu sắc hơn. HoSE có 100 mã đóng cửa trên tham chiếu 1% trở lên thì cũng hơn 90 mã giảm trên 1%. Đa số cổ phiếu còn lại dao động với biên độ hẹp và thanh khoản không cao.
Nhóm cổ phiếu tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán giao dịch nổi bật hôm nay nhưng trạng thái phân hóa cũng rất đáng kể. Ngân hàng chỉ có 2/27 mã là giảm giá, nhưng số tăng rõ rệt trên 1% cũng chỉ 13 mã. Dòng tiền hạn chế ở mặt bằng chung nên khi dồn quá nhiều vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hay vài mã quen thuộc như HPG thì cũng dẫn tới hụt thanh khoản ở các mã còn lại.
Việc FED tăng lãi suất như dự tính đêm qua có thể xem là thông tin đáng chú ý cuối cùng của năm 2022. Tuy nhiên thanh khoản vẫn đang duy trì mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa thật sự quay lại.