Đợt ATC các lệnh tái cơ cấu của ETF nổi lên sớm và tạo biến động giá khá mạnh ít phút đầu tiên. Tuy nhiên cũng như mọi lần, nhà đầu tư trong nước chọn cổ để cân giá, nhiều mã được nâng dần lên giúp đợt đóng cửa không quá sốc. VN-Index đỏ nhẹ 2,84 điểm với quy mô khớp riêng đợt cuối hơn 2.400 tỷ đồng...
VN-Index tụt thêm trong đợt ATC dưới sức ép của nhóm trụ.
Đợt ATC các lệnh tái cơ cấu của ETF nổi lên sớm và tạo biến động giá khá mạnh ít phút đầu tiên. Tuy nhiên cũng như mọi lần, nhà đầu tư trong nước chọn cổ để cân giá, nhiều mã được nâng dần lên giúp đợt đóng cửa không quá sốc. VN-Index đỏ nhẹ 2,84 điểm với quy mô khớp riêng đợt cuối hơn 2.400 tỷ đồng.
Thực ra với các lệnh dồn lại khá lớn trong một thời điểm, ít nhiều giá cổ phiếu cũng thay đổi. VN-Index chốt lệnh cuối của đợt khớp lệnh liên tục giảm nhẹ 0,01 điểm va đóng cửa giảm thêm 2,83 điểm nữa do một số trụ sụt giá và thiếu lực cân bằng ở các trụ khác.
VHM bị ép đáng kể nhất trong đợt ATC, với khối lượng giao dịch tới 1,22 triệu cổ. Giá trị đánh tụt xuống khoảng 0,8% trong lần giao dịch cuối và đóng cửa giảm 2,76% so với tham chiếu. VCB giao dịch 1,99 triệu cổ, giá tụt từ 81.000 đồng xuống 79.700 đồng, tức là giảm gần 1,7%, thu hẹp mức tăng so với tham chiếu cuối phiên còn 0,25%. VRE giao dịch 6,83 triệu cổ, giá tụt thêm 3,2%, chốt phiên giảm 6,09%. MSN giao dịch 1,98 triệu cổ, giá rơi thêm 1,8%, chốt giảm 4,79%...
Phía tăng cũng có nhiều cổ phiếu nhảy ngược như VJC từ 110.300 đồng bay lên 113.000 đồng, tuy chỉ tăng 0,09% so với tham chiếu nhưng là bật cao gần 2,45% trong một lần giao dịch ATC. HPG cũng nhảy thêm 1,49%, đóng cửa tăng tổng cộng 5,43% với 9,04 triệu cổ riêng đợt ATC.... Dĩ nhiên số lượng cổ phiếu cũng như quy mô vốn hóa ở nhóm tăng trong đợt cuối không bằng nhóm giảm, dẫn tới VN-Index mất thêm điểm.
Nhóm vốn hóa lớn nhiều mã giảm khiến VN-Index bị tác động xấu.
Dù có chút biến động và chỉ số đỏ cuối ngày, nhưng thị trường hôm nay giao dịch tích cực. Độ rộng HoSE vẫn ổn với 208 mã tăng và 195 mã giảm, tiếp tục trạng thái phân hóa lành mạnh. Nhiều cổ phiếu bất động sản, thép, xây dựng tăng kịch trần như OGC, TLH, POM, FCN, NKG, IJC HSG...
Nhóm VN30 chốt phiên giảm 0,38% ở chỉ số, nhưng độ rộng cũng là 15 mã tăng/14 mã giảm. Vấn đề nằm ở nhóm vốn hóa lớn tác động như MSN, VIC, VRE, VHM, STB, TCB, ACB... Nhóm ngân hàng đã không làm tốt vai trò điều tiết một phần cũng do ETF mua bán quá mạnh. Chỉ có 9/27 mã ngân hàng ở các sàn là tăng giá, nổi bật chỉ là HDB tăng 3,28%, VPB tăng 1,65%. Cổ phiếu chứng khoán cũng phân hóa nhiều nhưng may mắn là nhóm blue-chips SSI, VCI, VND vẫn tăng, chỉ có HCM giảm 1,28%.
Nhìn chung do thị trường phân hóa nên nhóm cổ phiếu nào cũng có đại diện tăng mạnh và giảm mạnh hôm nay. Do đó khó nói đến câu chuyện ngành, mà chỉ là các cổ phiếu cụ thể. Riêng các mã thép tăng khá đều và mạnh nhờ thông tin phục hồi của giá thép. Rất tiếc nhóm này chỉ có HPG là vốn hóa đáng kể.
Một điều khá bất ngờ là chiều nay các quỹ ETF giao dịch đồn lệnh, nhưng thanh khoản hai sàn thậm chí còn giảm nhẹ so với buổi sáng, đạt gần 7.450 tỷ đồng. Điều đó nghĩa là nhà đầu tư giao dịch khá chậm và chờ đợi đến đợt ATC. Tính riêng phiên chiều khối ngoại mua vào thêm 2.058 tỷ đồng, tương đương chiếm 30% thanh khoản sàn này buổi chiều. Mức bán ra thêm là 1.900 tỷ đồng, chiếm 28%. Như vậy về cơ bản khối ngoại giao dịch khá cân bằng.
Chung cuộc, khối ngoại mua ròng 265,3 tỷ đồng trên HoSE, dồn vào HPG +125,6 tỷ, SSI +93,8 tỷ, VND +76,4 tỷ, NVL +62,3 tỷ, DIG +50,1 tỷ. Bán ra có VRE -108,7 tỷ, MSN -85,3 tỷ, VNM -73,2 tỷ, VIC -59,1 tỷ, STB -43,5 tỷ...
VN-Index mất điểm nhẹ hôm nay nhưng vẫn khiến chỉ số này xác lập một tuần gần như đứng im, với mức tăng so với tuần trước chỉ 0,67 điểm. Thanh khoản tính cả thỏa thuận trên HoSE giảm 18% so với tuần trước, riêng khớp lệnh giảm gần 22%.