Làn sóng bất động sản Quy Nhơn - Bình Định chỉ mới nổi vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất động sản đang "đóng băng", các dự án triển khai cầm chừng, căn hộ condotel cũng hạ giá.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, tỉnh này có 85 dự án nhà ở có chủ đầu tư đang được triển khai trên diện tích xây dựng theo quy hoạch gần 1.500ha, hơn 39 triệu m2 sàn. Tổng mức đầu tư là hơn 116.000 tỷ đồng, quy mô khoảng 98.000 căn hộ.
Trong đó, 18 dự án nhà ở xã hội, gần 11.000 căn hộ; 67 dự án nhà ở thương mại, gần 87.000 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 27 dự án hoàn thành và số nhà đã xây chỉ có hơn 7.000 căn (chiếm gần 7,4%), diện tích hơn 950.000m2.
Theo ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, nhiều dự án được phép chuyển quyền sử dụng đất cho dân tự xây dựng nhưng thực xây chỉ chừng 20%, phần để trống còn lại là của các nhà đầu tư ở Hà Nội, TPHCM.
Các dự án thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) cơ bản đã được hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật nhưng đến nay vẫn hoang vắng (Ảnh: Doãn Công).
Ông Bảo cho rằng, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế để đầu tư dự án. Bên cạnh đó, tình hình chung cả nước đều gặp khó khăn nên thị trường bất động sản ở Bình Định ít nhiều bị ảnh hưởng.
"Qua theo dõi, các dự án trên địa bàn giảm tiến độ thi công. Nếu như trước đây đối với các chung cư, chủ đầu tư xây dựng tiến độ mỗi tuần 1 tầng nhưng nay mỗi tháng 1 tầng. Các dự án nhà ở thương mại, kể cả các căn hộ condotel đều có dấu hiệu giảm khoảng 20%. Hiện chỉ có bất động sản nhà ở của người dân thì giá bán vẫn cao do nhu cầu của họ không phải lớn", ông Bảo nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định cũng cho biết, thị trường bất động sản ở tỉnh Bình Định đang phát triển nhưng chưa phải quá lớn. Hiện dự án bất động sản lớn nhất ở địa phương là Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư nhiều dự án. Tiếp đó là dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh nhưng tập đoàn này chủ yếu là bất động sản du lịch, còn nhà ở không đáng kể.
Một khu dân cư ngay TP Quy Nhơn được đầu tư hạ tầng kỹ thuật bài bản nhưng rất nhiều lô đất bỏ trống, trong khi người dân thì phải lấn chiếm đất trên núi để ở (Ảnh: Doãn Công).
Những dự án quy mô nhỏ vài chục hecta của các doanh nghiệp địa phương thì không liên quan đến phát hành trái phiếu nên ít bị tác động. "Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là trước đây có thể các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Còn bây giờ ngân hàng siết lại nhưng chưa đến mức nhà đầu tư phải bán tháo", ông Bảo nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định cho biết đã có nhiều văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, công khai đầy đủ thông tin dự án nhà ở theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, Sở thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin rao bán, nhận đặt cọc giữ chỗ của các cá nhân, tổ chức đăng trên các trang mạng xã hội đối với những dự án nhà ở chưa đủ hoặc không đủ điều kiện kinh doanh. Qua đó, đã đăng cụ thể thông tin cảnh báo từng dự án để người dân biết tránh thiệt hại sau này.
Nhiều dự án đầu tư hạ tầng nhiều năm trời nhưng chưa có người đến ở (Ảnh: Doãn Công).
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường mua bán, chuyển nhượng đất đai không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, mục tiêu thu 5.500 tỷ đồng từ tiền chuyển quyền sử dụng đất không khả thi?
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định ngày 10/12 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định, đại diện ý kiến cử tri huyện Phù Cát và Phù Mỹ cho rằng, năm 2023, cơ cấu thu nội địa đặt mục tiêu 12.558 tỷ đồng, trong đó thu tiền quyền sử dụng đất là 5.500 tỷ đồng là không khả thi.
Theo ông Hùng, hiện nay, thị trường thị bất động sản toàn quốc cũng như tỉnh Bình Định "đóng băng" khiến các doanh nghiệp vô cùng khó khăn.
Gần như các kênh thu hút vốn cho hoạt động kinh doanh bất động sản cạn kiệt, có thể tạm dừng kéo dài. Trong khi đó, các ngân hàng cũng siết việc giải ngân cho các hoạt kinh doanh lĩnh vực này.
Cùng với đó, thị trường chứng khoán thì lao dốc, trái phiếu cũng khó khăn, huy động vốn FDI của doanh nghiệp bất động sản rất là khó. Nguồn lực tự có của các doanh nghiệp cạn kiệt dần, nhiều doanh nghiệp phải bán các trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn nên rất khó có thể kéo dài trong năm 2023-2024.