“Dòng tiền rẻ” bơm vào thời điểm này có thể giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại, thế nhưng giá tăng, cơ cấu sản phẩm bất cân đối sẽ khiến “bong bóng” phình to hơn.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property
Thị trường bất động sản đang bước vào những tháng cuối năm, tuy nhiên bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, thị trường bất động sản còn phải đối mặt với trở ngại như lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án…
Để thị trường tự thanh lọc
Thị trường đã ở giai đoạn bắt đầu suy thoái, giá nhà đất tăng quá cao, cơ cấu thị trường bất cân đối. Các giải pháp đang được đề xuất, tuy nhiên chúng ta phải lựa chọn việc “xấu hoặc xấu hơn”.
Thị trường bất động sản luôn có chu kỳ, khi giá đã quá cao, thị trường sẽ phải tự điều chỉnh để trở về giá trị thực. Ở thời điểm này, nếu bơm tiền giải cứu ồ ạt thị trường sẽ xấu hơn, giá nhà đất bị đẩy lên, pháp lý, thủ tục đầu tư không được tháo gỡ khiến nguồn cung bị ách tắc, khi đó bong bóng sẽ càng to, khi vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Và “không nên giải cứu người giàu” – bản thân những khó khăn hầu hết đến từ các đơn vị mà đã định giá các dự án rất cao, không đáp ứng nhu cầu của đa số người dân mà chủ yếu phục vụ giới đầu cơ, bản chất thị trường đã không lành mạnh.
Khi chọn phương án xấu, thị trường suy thoái, đến mức độ nào đó sẽ tự điều chỉnh và phục hồi. Nên để thị trường tự thanh lọc một thời gian, doanh nghiệp nào mạnh, có tiềm lực, năng lực có thể tồn tại, còn doanh nghiệp nào yếu kém, khó khăn, họ sẽ phải rút lui.
Thị trường bất động sản sẽ phải tự điều chỉnh trước khi đón nhận các giải pháp "giải cứu"
Phục hồi "sức khỏe" cho thị trường
Thị trường sẽ phải cơ cấu lại từ chủ đầu tư, đối tượng tham gia cho đến nguồn vốn. Khi đã tự “lọc máu” xong, chúng ta sẽ phục hồi "sức khỏe" cho thị trường thông qua các chính sách phù hợp.
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, hoàn thiện các thủ tục đầu tư thực hiện dự án như đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở...
Thứ hai, phát triển thị trường bất động sản có giá trung bình, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân có nhu cầu ở thực chứ không khuyến khích cho thị trường đầu cơ. Giống như thời điểm năm 2013, chúng ta đã có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, tiếp cận số đông người có nhu cầu ở.
Mặc dù bộ phận đầu cơ vẫn nên có để kích thích thị trường, thế nhưng không nên khuyến khích hay “bơm tiền” giải cứu, bởi nếu tỷ trọng đầu cơ quá lớn sẽ gây méo mó thị trường.
Thứ ba là tạo cơ chế tốt cho việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Chung quy lại, để “giải cứu” thực sự thị trường không nên vội vã, điều quan trọng là giải quyết rốt ráo các vấn đề như thủ tục pháp lý, đầu tư, tháo gỡ nợ xấu, nợ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, chứ không thể bằng việc “bơm tiền” thuần túy.