Sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Con người trở nên vị tha, độ lượng, giản ước rất nhiều thủ tục. Sự cảm thông, chia sẻ làm giàu có thêm, đậm đà thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Năm mới đã về!
Chiếc lá bàng vàng và nỗi ưu phiền của lòng ta đã theo tờ lịch cuối rụng về mùa đông năm cũ. Búp bàng mới trổ lên trời một màu xuân quả quyết.
Năm 2021 đã trôi qua trong thắc thỏm lo âu, trong đau thương mất mát do đại dịch mang đến, từ biến thể này sang biến thể khác của con virus kỳ quái.
Chúng ta không chỉ chống chọi, mà trong bĩ cực, còn tìm ra thế sống mới: Sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Con người trở nên vị tha, độ lượng, giản ước rất nhiều thủ tục. Sự cảm thông, chia sẻ làm giàu có thêm, đậm đà thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Trong cơn bĩ cực, trong sự dồn nén của hoàn cảnh, dân tộc ta lại trổ bùng một sức mạnh mới, một khát vọng mới: Khát vọng chiến thắng, khát vọng văn hóa, khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, một Việt Nam phồn vinh đứng vào hàng các nước phát triển vào năm 2045, thời điểm Cách mạng Tháng Tám kỷ niệm 100 năm và cũng là 100 năm nước Việt Nam mới.
100 năm trong mấy nghìn năm lịch sử, ví như một ngày của đời người.
Một ngày ấy, từ năm 1945, với 90% dân số mù chữ, đến nay, Việt Nam đã có hàng trăm giáo sư giảng dạy, làm việc ở những viện nghiên cứu, những trường đại học lớn nhất trên thế giới. Việt Nam trở thành thiên đường du lịch, thiên đường ẩm thực, được Đông Tây yêu mến vì tấm lòng cởi mở.
Một ngày, Việt Nam từ hình ảnh cố hữu “Ông lão dong trâu đi bừa/ Là con ông lão năm xưa đi cày”, đến nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp với thương hiệu vươn ra thế giới. Các doanh nhân chân chính ngày nay, từ lòng yêu nước nồng nàn, từ khát vọng lớn làm giàu cho mình, làm phồn vinh đất nước, đã biểu thị hùng hồn tài năng, sức mạnh Việt Nam, sức sống, sức sáng tạo Việt Nam, không ngừng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sức sống, sức sáng tạo ấy bất diệt như Mùa xuân.
Ôi Mùa xuân nước Việt! Hãy nhìn cuộc sống quanh ta. Hoa mận trắng lòng thung. Hoa mai vàng trước ngõ. Hoa đào hồng lưng núi. Hoa ngả bên thềm. Hoa đua sắc thắm. Xuân tự lòng người. Xuân xanh cả những chân trời. Xuân phơi phới trong từng sợi mưa tơ. Xuân lâng lâng bay trên đôi chân tuổi trẻ vào yêu...
Hãy nhìn vào lịch sử. Mùa xuân nước Việt, lạ kỳ thay, lại cũng là những mùa xuân đại thắng.
Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (18/4/1288), sau khi quét sạch quân Nguyên ra khỏi cõi bờ, vua Trần Nhân Tông ngắm chân mấy con ngựa đá cũng lấm bùn, đến ngựa đá cũng gian nan vì kháng chiến, đã cảm khái thốt lên:
Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
Xuân Kỷ Dậu, năm 1789. Chỉ trong năm ngày, với 10 vạn quân, trong đó có một nửa mới tuyển từ nông dân các vùng trên đường hành quân ra Bắc, Quang Trung đã tiêu diệt hoàn toàn 29 vạn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng, đã phải tháo chạy thục mạng qua ải Nam Quan.
Ngô Ngọc Du trong “Ghi chép chuyện thực về ngày tươi sáng trở lại của thành Thăng Long” viết:
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến lên,
Trăm họ mừng rỡ đón tiếp đầy đường.
Mây quang mưa tạnh, thấy lại mặt trời,
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai, thích cánh cùng nhau nói:
Xuân Kỷ Dậu 1789 còn đáng nhớ bởi nó gắn với giai thoại đẹp đẽ về mối tình của vua Quang Trung với Ngọc Hân công chúa, con gái vua Lê Hiển Tông.
Mùa xuân 1975 không chỉ là mùa xuân thống nhất đất nước, mà còn là mùa xuân hòa hợp dân tộc, Bắc Nam sum họp một nhà.
Xin dâng lên Bác một mùa hoa
Cả nước anh em đẹp một nhà
Như khối hoa cương và cẩm thạch
Nghìn năm quanh Bác bản hòa ca.
(Tố Hữu – Vui thế hôm nay)
Nhìn xuyên lịch sử, càng thấy bao nhiêu mùa xuân huy hoàng của đất nước đều phải bắt đầu từ những mùa đông lạnh giá, gian khổ. Bao nhiêu chiến thắng vinh quang đều phải bắt đầu từ truyền thống xây dựng lực lượng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn. Cái giá của hạnh phúc, độc lập, thống nhất hôm nay mắc nợ biết bao nhiêu thế hệ đã hy sinh.
Ông cha ta thường dạy cháu con: “Bình thời luyện võ, loạn thế độc thư” (thời bình phải luyện võ, thời loạn phải đọc sách), tức là lo nạn nước, lo chiến tranh từ thuở còn yên; trong chiến tranh phải đọc sách để lo dần chuyện kiến quốc; chớ để nước đến chân mới nhảy, “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”.
Thật mừng sao, khi vào lúc này, mọi người đã thấy rằng, cùng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn tiến lên xây dựng một đất nước thịnh vượng, một xã hội thật sự công bằng, văn minh, ở đó, không chỉ một số người, mà phải cả cộng đồng có cuộc sống hạnh phúc, phải biết coi trọng và dùng tới một sức mạnh khác - Sức mạnh văn hóa!
Chúng ta nhớ lại, mở đầu Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi nói tới nhân nghĩa, văn hiến. Và coi đó là sức mạnh để chiến thắng giặc Minh cuồng bạo.
Chỉ ít ngày trước khi đi vào Toàn quốc kháng chiến, ngày 24/11/1946, Chính phủ Hồ Chí Minh mở Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Năm 1948, trong khói lửa chiến tranh, lại có hội nghị lần thứ hai. Nghĩa là, những hội nghị văn hóa kế tiếp nhau như hội nghị chính trị, quân sự, kinh tế để giải quyết những yêu cầu cấp bách của nước nhà. Trong Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, Bác Hồ đã đưa ra một luận điểm nổi tiếng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Năm 2021, lại có một hội nghị nữa, sau 73 năm kể từ hội nghị lần thứ hai.
Chỉ đề cao kinh tế mà không coi trọng văn hóa, không coi trọng việc xây dựng con người có ý thức về bổn phận, trách nhiệm đối với người khác, với Tổ quốc, quả thật đáng lo. Nỗi lo này, Trần Hưng Đạo đã từng bày tỏ một cách thống thiết: “Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn”... “Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo sản nghiệp mà quên việc nước”… “Nếu có giặc Mông Thát tràn sang, cựa gà trống không xuyên thủng được áo giáp của giặc, mẹo đánh bạc không thay được mưu lược nhà binh; tiền của tuy lắm không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù...” (Hịch tướng sĩ văn).
Không ít cán bộ ngày nay “hoặc lo sản nghiệp mà quên việc nước”. Nhiều doanh nghiệp ngày nay “tiền của tuy lắm” mà con tim không đập nhịp nhân văn. Tôi cũng không hiểu vì sao nhiều người dân nhìn thấy người “công an nhân dân” lại vừa không dám gần, lại vừa sợ...
Địch phá ta, đáng lo, nhưng thù trong mới thật là đáng sợ.
Nhưng khi ta đã tìm thấy và khơi dậy sức mạnh của sự đồng lòng, của văn hóa; các họ tộc, tầng lớp trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài, trong sáng kết lại bên nhau thành một khối “hoa cương và cẩm thạch”, thì không ai, không gì cản được dân tộc ta tiến lên trên con đường Đổi mới.
Đổi mới không chỉ là tên gọi của một thời kỳ. Đổi mới là định danh của dân tộc Việt, dân tộc mang khát vọng Vượt lên; là anh, là chị, là em..., một cành xuân của đất nước Vạn Xuân.