Doanh nghiệp mong có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía nhà nước và hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát.
Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu: Giảm thuế là liều vitamin kịp thời
Kỳ vọng lớn nhất của tôi trong thời điểm này là dịch bệnh qua đi, mọi người bình an, công nhân có đầy đủ sức khỏe để trở lại lao động bình thường. Với lực lượng lao động đầy đủ trong năm mới, chúng tôi có thể đón nhận nhiều đơn hàng "thuận buồm xuôi gió". Hiện, công ty đã có đơn hàng đến hết quý I/2022 nên rất cần người lao động quay trở lại công ty.
Nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên thế giới hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu container vẫn chưa được giải quyết. Vướng mắc này rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tốt hơn.
Năm nay, công ty khởi động lại sản xuất bánh mì thanh long. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục chế biến bánh với nguyên liệu từ trái thơm để hỗ trợ nông dân. Chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới và sử dụng nguyên liệu chủ lực là nông sản trong nước.
Một điều đáng mừng là trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp đều rất khó khăn, việc giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% là liều vitamin kịp thời để "cứu" doanh nghiệp.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt: Cần ổn định lãi suất, chuỗi cung ứng
Hy vọng sang năm mới 2022, công ty sẽ phát triển vững vàng hơn nhờ những kinh nghiệm từ thời gian giãn cách xã hội. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty đã có đủ thời gian để chấn chỉnh, tổ chức lại các bộ phận, xây dựng nhà xưởng, tổ chức quy trình sản xuất, đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp, đặc biệt là đầu tư chiều sâu, tạo ra sản phẩm mới.
Khó khăn trước mắt vẫn còn. Doanh nghiệp rất cần Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế suất, về thị trường để giúp doanh nghiệp phục hồi. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần chính sách ổn định lãi suất, kiểm soát chuỗi cung ứng để không bị đứt gãy cùng với hỗ trợ về nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn SUNHOUSE: Tận dụng cơ hội để "sống khỏe"
Bất cứ dịch bệnh hay cuộc khủng hoảng nào đều là sự sắp đặt của tự nhiên để tạo ra sự cân bằng cho hệ sinh thái. Hay như cứ mỗi cơn bão xảy ra, cây nào yếu sẽ chết đi và để lại khoảng trống, chất dinh dưỡng cho cây có sức khỏe, cây mới vươn lên. Tương tự, dịch COVID-19 quét qua toàn cầu sẽ loại bỏ những doanh nghiệp yếu, không có sự chuẩn bị tốt, nhưng cũng tạo ra khoảng trống màu mỡ cho các doanh nghiệp còn lại. Ai còn tồn tại sẽ hưởng cơ hội vô cùng lớn. Có thể nói, trong kinh doanh lúc kiếm tiền dễ nhất là lúc khủng hoảng, còn kiếm tiền trong trạng thái bình thường thì vô cùng khó khăn vì sự cạnh tranh lớn. Tôi tin vào giữa năm 2022, doanh nghiệp nào còn trụ được sẽ bùng nổ.
Cơ hội sẽ đến khi mọi thứ trở lại bình thường, thành công chắc chắn sẽ đến với doanh nghiệp có nền tảng, có sự chuẩn bị và tính toán, tận dụng chính sách hỗ trợ, đặc biệt là có sự liên kết hỗ trợ nhau cùng vượt khó khăn và phát triển. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ thay đổi quy mô, nâng tầm vóc bản thân.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May: Cần chính sách hỗ trợ nhà ở công nhân
Lực lượng lao động đối với doanh nghiệp hiện nay là rất quan trọng. Hầu như doanh nghiệp nào cũng thiếu người lao động. Chúng tôi đã phải nỗ lực giữ chân người lao động bằng cách chăm lo tốt đời sống công nhân. Trong đó, một việc rất quan trọng là phải giải quyết bằng được vấn đề nhà ở cho công nhân. Chúng tôi đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng lại bị đình đốn bởi thủ tục, giấy tờ quá nhiêu khê, mất quá nhiều thời gian cũng như công sức, tốn không dưới 2 năm.
Chúng tôi rất mong mỏi nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách để sớm có được giấy phép khởi công xây dựng. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng có được chính sách tín dụng tốt, chẳng hạn như giãn tiến độ thanh toán.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Tổng Giám đốc TNHH Liên kết thương hiệu Toàn Cầu (chủ sở hữu thuong hiệu Meet More Café): Chính sách ưu đãi phải mở rộng cho nhiều đối tượng
Doanh nghiệp cần sự ổn định để yên tâm sản xuất. Thời điểm dịch bệnh, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chưa hiệu quả. Chẳng hạn, chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi từ ngân hàng xã hội và chính sách giảm thuế đưa ra nhiều điều kiện mà rất nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Chưa kể, đối tượng được vay vốn chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực.
Trong năm tới, chúng tôi cần những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, ổn định và lâu dài hơn, đặc biệt là mở rộng cho nhiều đối tượng thụ hưởng.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Năm vừa qua, doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tốt hơn so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất cầm chừng hoặc chuyển sang ngành nghề khác phù hợp hơn. Doanh nghiệp cũng chủ động tiết giảm chi phí bằng cách duy trì số lượng nhân sự vừa phải, đẩy mạnh chuyển đổi số, bán hàng trực tuyến, thanh toán online, làm việc tại nhà, gặp gỡ đối tác trực tuyến… Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất mà giảm thiểu được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khi doanh nghiệp nỗ lực tìm cách thích ứng với bối cảnh mới còn nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng cắt giảm các điều kiện không cần thiết, minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, các khoản thuế, phí vẫn cần được miễn, giảm để doanh nghiệp bớt khó khăn.