Tổng giám đốc The PAN Group Nguyễn Thị Trà My cho rằng, người ta chờ đến Tết để sum vầy, để dạy con cháu về nguồn gốc tổ tiên, về nữ công gia chánh và lòng hiếu thảo...
Là doanh nhân theo kiểu cả năm “vắt chân lên cổ” mà chạy, nhưng khi kết thúc năm 2021 nhiều “bão giông”, “nữ tướng” được coi là có tiếng trong ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc The
PAN Group cho rằng: trong nguy luôn có cơ!
Ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn của năm 2021 một cách ngoạn mục, khi giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục, ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra. Trong đó, The
PAN Group đã sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và để lại nhiều dấu ấn trong bức tranh tươi sáng của toàn ngành nông nghiệp.
Đó là thông tin mà bà My muốn chia vui với mọi người về thành quả bước đầu của giấc mơ góp phần “nâng tầm nông nghiệp Việt” của tập đoàn. Song bỏ qua những gì còn sót lại của năm cũ, những ngày khi Tết đến gần cũng như hàng triệu người dân Việt Nam khác, bà cũng có một tâm trạng khó tả, bồi hồi, hoài niệm, xen lẫn với niềm hi vọng ở năm mới tươi sáng…
Đối với bà, Tết Nguyên đán không đơn thuần là một kỳ nghỉ, không chỉ là dịp để những thành viên trong gia đình trở về nhà để đoàn tụ, mà còn mang ý nghĩa văn hoá truyền thống đậm nét tâm linh.
“Đói quanh năm no ba ngày Tết”, ngày Tết người ta gói bánh Chưng, đi đổi tiền mới để lì xì lũ trẻ con, nô nức đi mua hoa, mua quả, bánh kẹo, trang trí nhà cửa, bày biện bàn thờ... Đến giờ, bà vẫn mong đợi ngày Tết một phần để được đến chợ hoa đêm Quảng Bá, chìm đắm trong không khí xuân về.
Có quan niệm cho rằng Tết chỉ là một dịp nghỉ bình thường, hay có ý kiến ghép Tết Nguyên Đán với Tết Tây.
Bà Trà My thẳng thắn bày tỏ: “Có lẽ ý tưởng ấy chẳng phù hợp lúc này. Tết Nguyên đán với nhiều người là tâm linh, là mục tiêu cả năm, người ta chờ đến Tết để sum vầy, để dạy con cháu về nguồn gốc tổ tiên, về nữ công gia chánh, và lòng hiếu thảo....”.
Với mỗi người chúng ta, khi nhắc đến Tết, có lẽ mọi kỉ niệm về ngày Tết thời ấu thơ lại ùa về.
Bà Trà My hoài niệm, do bố mẹ đi làm từ sáng đến tối, bà lớn lên trong sự dạy dỗ, uốn nắn nghiêm khắc của bà nội. Ngày biết viết chữ cũng là ngày bà biết chép kinh Phật giúp bà nội.
Trong trí nhớ của bà, hình ảnh về Tết luôn gắn với bà nội rất phong kiến và với chiếc giường thờ. Bà còn nhớ như in, những ngày bé tí, tầm 5-6 tuổi, Tết đến phải phụ giúp bà nội sửa soạn giường thờ sao cho đẹp, cho đủ đầy nhất. Gọi là giường thờ vì nhà bà nội có bàn thờ quá lớn và bà nội của bà tự hào khi được cai quản cái giường thờ lắm!
“Tôi thích Tết nhất vì được lì xì, được diện quần áo mới..., nhưng cũng ghét Tết nhất vì toàn bị sai vặt từ rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo trong cái nước lạnh buốt hay bóc vỏ hành, dóc mía tím để muối dưa hành, lấy cát đánh mâm đồng cho sáng bóng lại còn lấy tro đánh ấm chén sao trắng tinh như mới nữa...”, bà Trà My cười.
Vì bà nội rất gia giáo, nên nếu lau không sạch là ăn đòn đủ... Vậy nên, những điều đó đối với bà Trà My không khổ hơn khi phải dọn dẹp, lau chùi cái giường thờ của bà nội.
“Tôi phải dùng nước ấm, lấy khăn mới tinh lau các ngõ ngách, thậm chí phải lấy tăm bông để lau các ngách nhỏ tí của các chạm trổ phức tạp. Sau đó sẽ là phụ bà bày giường thờ... Đây là khâu quan trọng nhất. Bà nắn nót xếp xếp, sửa sửa, thêm thêm, bớt bớt...”, bà Trà My kể.
Bởi Tết cái gì cũng đắt, bà cho rằng, bà nội mình là người “nhìn xa trông rộng”, luôn mua trước cả vài tuần những trái cam bố hạ, bôi vôi vào cuống để giành đến Tết bày giường thờ. Nhưng bà Trà My ấn tượng nhất là kiểu gì trên mâm bồng ngũ quả của bà nội bà cũng phải có quả Phật thủ nằm trên nải chuối xanh.
Theo đó, cách bày mâm ngũ quả lúc nào cũng theo nguyên tắc: Nải chuối sẽ được đặt ở dưới cùng, ở giữa như bàn tay để hứng lấy những điều tuyệt vời nhất. Nằm chính giữa phải là quả Phật thủ cánh múi như các ngón tay Phật mong ước được ban phúc, ban lộc, ban may mắn cho cả gia đình... Sau đó mới đến các loại quả đầy đủ nhiều sắc màu...
Không những vậy, đến cả bình hoa thuỷ tiên với bộ rễ thật đẹp, mang lại giàu sang, phú quý, và trường thọ, mà mua sao để nở đúng đêm giao thừa mới xịn.
Đã 20 năm bà Trà My được tự mình sửa soạn, bày biện bàn thờ của gia đình nhỏ của mình. “Khoái lắm, có vẻ như tôi đã ảnh hưởng không ít truyền thống của gia đình, sự đam mê này từ bà nội”, bà hồ hởi.
Vậy nên bà Trà My cho rằng, xin đừng ghép vào Tết Tây vì Tết sẽ mất yếu tố tâm linh và chỉ còn là một kỳ nghỉ.