Đây khó có thể coi là “phong tục” vì khá mới. Liệu “phong tục” này có phải là kết quả của marketing của các công ty vàng?
Hôm nay ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì ngày này là ngày Vía Thần Tài, mọi người đua nhau đi mua vàng để cầu may mắn tài lộc.
NHƯNG
Theo ghi nhận trên truyền thông, “phong tục” mua vàng ngày vía Thần Tài này mới chỉ rộ lên trong khoảng hơn chục năm trở lại đây và cũng chỉ phổ biến ở một số đô thị lớn. Còn ở vùng nông thôn, việc mua vàng ngày vía Thần Tài chưa rộng rãi. Như vậy, khó có thể gọi việc “mua vàng ngày vía Thần Tài” này là một “phong tục” được. Không phải là phong tục, vậy liệu đây có phải kết quả của marketing, cụ thể là kết quả marketing của các công ty vàng?
QUAN NIỆM ĐẾN TỪ… MARKETING
Kim cương rất đắt đỏ và quý hiếm. Ai cũng biết điều đó. Kim cương là biểu tượng của sự vĩnh cửu và vì thế, gắn liền với hôn nhân. Họ quan niệm rằng có nhẫn kim cương thì tình yêu sẽ vĩnh cửu. Thành thử, cặp đôi nào chuẩn bị cưới cũng muốn đi mua cho mình một cặp nhẫn kim cương.
Thế nhưng không nhiều người biết, tất cả những “truyền thống” này, tính vĩnh cửu, biểu tượng tình yêu vững bền, sự đắt đỏ và quý hiếm,... chỉ là kết quả của marketing. Cụ thể là kết quả của chiến dịch marketing của tập đoàn kim cương lớn nhất thế giới De Beers.
Trên thực tế, kim cương không quá quý hiếm như vẫn tưởng. Mỗi năm, các công ty kim cương khai thác và tung ra thị trường gần 150 triệu cara kim cương. Người Nam Phi từng dùng kim cương làm tiền gửi tiết kiệm từ hàng trăm năm trước. Như vậy cho thấy, kim cương thực ra có rất nhiều và không phải quá quý hiếm.
Cuối thế kỷ 19, tập đoàn De Beers của Anh mua hàng loạt mỏ kim cương khổng lồ ở Nam Phi và trở thành công ty kim cương lớn nhất thế giới.
Đến những năm 1920, kim cương bị mất giá trầm trọng vì suy thoái kinh tế do Thế chiến I. Tình hình mất giá này kéo dài đến tận những năm 1930. Doanh thu De Beers giảm nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ bị phá sản. Không thể ngồi yên, họ quyết định ra tay.
De Beers tung ra một chiến dịch marketing tổng lực. Hàng loạt các quảng cáo, chương trình truyền thông xuất hiện ở khắp nơi. Tất cả đều “ấn” vào đầu mọi người thông điệp “Kim cương là vĩnh cửu” và tạo ra một suy nghĩ “tất cả những người đang tiến tới hôn nhân đều cần tới nhẫn kim cương”. Kim cương trở thành thứ không thể thiếu trong tình yêu và hôn nhân.
Chiến dịch thành công mỹ mãn. Từ năm 1938 đến 1941, doanh số kim cương tại Mỹ tăng 55%, đa phần chảy vào túi của tập đoàn De Beers. Và kim cương trở nên đắt đỏ, ai cũng cần như ngày nay. Các cặp đôi đổ xô đi mua nhẫn kim cương trước khi cưới mà không biết tới nguồn gốc “sặc kinh doanh” của “truyền thống” này.
MUA VÀNG CŨNG LÀ… MARKETING?
Quay trở lại ngày vía Thần Tài. Không rõ chính xác từ khi nào xuất hiện quan niệm “mua vàng ngày vía Thần Tài sẽ được may mắn tài lộc”, nhưng theo thông tin từ các chuyên gia và truyền thông thì quan niệm này mới chỉ rộ lên từ khoảng hơn chục năm trở lại đây. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu, nhà hoạt động tôn giáo còn nêu quan điểm, việc mua vàng ngày vía Thần Tài được may mắn là không có cơ sở và người mua bị thiệt thòi. Vậy, liệu đây có phải là chiêu trò marketing của các công ty vàng?
Một chiến dịch marketing thay đổi quan điểm người tiêu dùng về một món hàng phổ thông nhất định nào đó thường sẽ do công ty mạnh nhất trong lĩnh vực đó thực hiện. Vì khi nhu cầu người tiêu dùng về món hàng đó tăng cao, công ty mạnh nhất đó sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Nếu không nắm thị phần áp đảo mà làm marketing như vậy, khi cầu tăng cao, tiền lại chảy về các công ty khác. Công ty làm marketing sẽ bị thiệt.
Như ở trường hợp kim cương phía trên, De Beers khi đó nắm tới 90% thị phần kim cương. Bởi vậy, khi cầu kim cương tăng cao, lợi nhuận vô hình trung sẽ chảy về De Beers.
Trong trường hợp “vàng Thần Tài” ở Việt Nam, hiện tại không có một công ty vàng nào áp đảo hoàn toàn thị phần. Tính tới cuối năm 2019 thì 73% thị phần bán lẻ trang sức ở Việt Nam vẫn nằm trong tay các cửa hàng truyền thống. CTCP Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận đứng đầu với thị phần 7% còn 20% thị phần nằm ở các chuỗi khác. Thành thử, khả năng để một công ty tung ra được chiến dịch marketing đẩy vào đầu người dân quan niệm “mua vàng Thần Tài” là rất thấp.
Một điều nữa, nếu là một chiến dịch marketing, thì người ta có thể dễ dàng tìm ra rất nhiều bài viết, quảng cáo, chương trình v.v. nói về “quan niệm” đó. Nhưng với “vàng Thần Tài”, hầu như không có bài viết hay tài liệu đủ chi tiết về quan niệm này. Điều đó cho thấy, khả năng quan niệm này là kết quả của marketing khá thấp.
Tuy vậy, đây cũng chỉ là suy đoán thông thường. Rất có thể có một nhà tiếp thị của công ty vàng nào đó có suy nghĩ vượt trên thông thường, làm “chiến dịch vàng” này và đang ngồi thu lợi trong ngày vía Thần Tài. Điều đó vẫn còn là... nghi án.