Nhập khẩu hơn 114 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2021, khu vực châu Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta (sau châu Á) và còn rất nhiều dư địa khai thác.
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Thanh huyền
Thị trường khổng lồ
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, chi phí logistics tăng phi mã, khu vực thị trường châu Mỹ vẫn được các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng khai thác tốt. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ trong năm 2021 đạt hơn 114 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2020.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ châu Mỹ tăng 14%, trị giá 25 tỷ USD, nhờ đó, cán cân thương mại của nước ta với khu vực thị trường này đạt xuất siêu lớn với gần 89 tỷ USD (vượt xa mức xuất siêu năm 2020 là 68,1 tỷ USD), qua đó đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Châu Mỹ là khu vực thị trường rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa khổng lồ và là địa chỉ xuất khẩu tiềm năng cho nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Ngoài Mỹ, Canada cũng là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Canada tăng gần 21%, đạt 5,3 tỷ USD, là mức tăng trưởng dương năm thứ 3 liên tiếp kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, với mức tăng trưởng GDP ổn định, Canada là thị trường khá tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như thủy hải sản, nông sản, hàng dệt may, giày dép, gỗ và các chế phẩm từ gỗ…
Châu Mỹ là khu vực thị trường rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa khổng lồ và là địa chỉ xuất khẩu tiềm năng cho nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Riêng với ngành hàng dệt may, xuất khẩu sang khu vực này đạt trên 17 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Với ngành hàng máy vi tính, điện tử và linh kiện, châu Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu lớn với tổng kim ngạch đạt gần 14 tỷ USD.
Năm 2021, mặc dù sản xuất trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế vẫn đạt được những kết quả tích cực
Cụ thể, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 433,39 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,8%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 139,21 tỷ USD, tăng 24,3%. châu Âu: 73,4 tỷ USD, tăng 15%; châu Đại Dương: 14,21 tỷ USD, tăng 45,2%; châu Phi: 8,32 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2020
Riêng về xuất khẩu, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 336 tỷ USD của cả nước, khu vực châu Mỹ là thị trường lớn thứ 2, chỉ sau châu Á (đạt gần 162 tỷ USD).
Cơ hội cho hàng Việt
Năm 2022, ngành công thương tiếp tục đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6 - 8% so với năm 2021, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Để đạt được mục tiêu này, các ngành hàng và doanh nghiệp đang tiếp tục nỗ lực duy trì các thị trường trọng điểm và đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh, tại châu Mỹ, Mỹ là thị trường chủ lực. Kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, tập quán tiêu dùng hết sức đa dạng, tạo ra nhiều dư địa khai thác và cạnh tranh, quan trọng là tạo ra những khoảng trống mới để hàng Việt Nam thâm nhập. Ngoài ra, lực lượng người Việt đông đảo tại Mỹ cũng là cầu nối và là nhóm tiêu dùng quan trọng cho hàng hóa Việt.
Tuy nhiên, thách thức với nhóm hàng đồ gỗ, nội thất, hay sắt thép, nông thủy sản… sang châu Mỹ là chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, khoảng cách vận chuyển xa, chi phí vận chuyển tăng cao trong giai đoạn đại dịch sẽ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp nếu như bài toán xuất khẩu không được tính toán kỹ.