Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương đã phân tích sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong năm Nhâm Dần 2022.
Năm 2021 đi qua với những mảng màu sáng - tối của logistics Việt Nam. Chúng ta khá quen những cụm từ ám ảnh: "khủng hoảng", "giãn cách xã hội", "đứt gãy chuỗi cung ứng". Sóng gió đã thật sự khép lại? Nhân dịp đầu Xuân Năm mới 2022, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương.
Những mảng màu sáng - tối
- Theo ông, những thành tựu nổi bật nhất của ngành logistics Việt Nam trong năm 2021 vừa qua là gì?
Sau 4 năm thực hiện, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đưa ra định hướng để phát triển ngành.
Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một loạt quy hoạch của các phương thức vận tải, trong đó có đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển.
Dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, nhưng bên cạnh đó, dịch bệnh đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, xu hướng mua hàng qua mạng tăng mạnh, kéo theo đó là hoạt động logistics phục vụ thương mại điện tử.
Về hạ tầng, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thành được một số tuyến cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận, Cao Bồ - Mai Sơn. Sân bay Long Thành được khởi công với quy mô dự kiến giai đoạn I đạt 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sẽ trở thành một trung tâm logistics hàng không của quốc gia và khu vực.
- Thế còn những “mảng màu xám” trong bức tranh toàn cảnh ngành logistics 2021 là gì thưa ông?
Ở tầm cấp quốc tế, sự khủng hoảng về giá cước vận tải biển vẫn tiếp diễn, kéo nhiều quốc gia vào vòng xoáy này. Việt Nam là một nước có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, trong đó hơn 90% là thông qua phương thức đường biển, nên cũng chịu tác động của cuộc khủng hoảng này.
Ở trong nước, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra đứt gãy chuỗi logistics ở một số tỉnh thành đồng bằng sông Hồng và miền Đông Nam Bộ.
- Năm 2021 chứng kiến cuộc bùng nổ logistics cho thương mại điện tử. Nếu các doanh nghiệp logistics không chuyển đổi kịp thời từ doanh nghiệp logistics truyền thống sang doanh nghiệp logistics thương mại điện tử ứng dụng công nghệ tự động hóa, thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường, dễ dàng bị đẩy ra khỏi “sân chơi” khi các doanh nghiệp logistics ngoại đầu tư mạnh vào để cạnh tranh giành thị phần. Ngành logistics Việt Nam đã có kế hoạch gì để giải bài toán này?
Logistics cho thương mại điện tử là một "sân chơi" riêng, khá tách biệt với logistics truyền thống. Logistics cho thương mại điện tử ở đây chủ yếu được hiểu là các doanh nghiệp chuyển phát, giao hàng chặng cuối, với mạng lưới giao hàng rộng khắp, đảm bảo thời gian giao hàng nhanh và hiệu quả. Với số lượng đơn hàng đặt qua mạng quá lớn, chủng loại mặt hàng đa dạng, địa chỉ giao hàng ở khắp các địa phương thì nếu không ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp logistics cho thương mại điện tử sẽ không thể đáp ứng được tốc độ giao hàng.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng một chục doanh nghiệp logistics cho thương mại điện tử lớn và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, trong đó có những doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong thời gian tới, các doanh nghiệp này nên có sự liên kết, chia sẻ một số nguồn lực dùng chung để tận dụng tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ để giải bài toán tối ưu trong tuyến đường và thời gian giao hàng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn tiết kiệm chi phí, giảm tác động bất lợi đến môi trường.
- Ngành vận tải biển trong năm 2021 được đánh giá là tăng trưởng mạnh. Xin ông cung cấp một vài dữ liệu chứng minh sự tăng trưởng này?
Mặc dù chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đạt mức tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54% (đạt gần 5 triệu tấn) so với năm 2020.
Lộ trình cho tương lai…
- Phát triển nguồn nhân lực logistics lên tầm cao mới cũng là một đòi hỏi vô cùng cấp thiết hiện nay. Lộ trình này sẽ đi từng bước như thế nào thưa ông?
Việc phát triển nhân lực cho ngành logistics mới được quan tâm trong thời gian gần đây. Năm 2021, hoạt động này đã chuyển mình với sự ra đời của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam và Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam. Đến nay, đã có khoảng 50 trường đại học và hơn 60 trường cao đẳng cùng một số cơ sở đào tạo ngắn hạn tiến hành đào tạo về logistics.
Sau khi Hiệp hội ra đời, những hoạt động tiếp theo cần nhanh chóng triển khai là đưa ra khung chương trình đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng cho cả bậc đại học và cao đẳng, trung cấp. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng và mở rộng số lượng đội ngũ giảng viên, biên soạn bộ giáo trình hiện đại, tiệm cận thực tế đang thay đổi rất nhanh trong ngành logistics.
Sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp góp phần đưa hoạt động đào tạo, nghiên cứu và học tập về logistics tiến đến gần với thực tế, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế.
- Số lượng trung tâm logistics tăng nhanh trong thời gian qua, tạo nên một cơn sốt "săn lùng" địa điểm đầu tư trung tâm logistics. Vai trò, chức năng của những trung tâm này đối với sự phát triển của ngành logistics Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Trong số những dự án trung tâm logistics lớn nhận giấy phép và khởi công năm 2021, có thể kể đến Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện (752 ha), Trung tâm Logistics và cảng tổng hợp Cái Mép, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc, Trung tâm logistics thông minh cao tầng và Khu công nghiệp - logistics Yên Phong II-A.
Các trung tâm logistics có vai trò rất quan trọng, là điểm nối giữa các khâu trong chuỗi logistics. Trung tâm logistics ngày nay không chỉ là nơi "dừng chân" của hàng hóa giữa các chặng vận chuyển, mà còn là nơi để hoàn thành các thủ tục giao nhận, xử lý, sơ chế hàng hóa, tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa. Ví dụ, hàng hóa khi nằm ở trung tâm logistics đã có thể được phân loại, chia chọn, tổng hợp, đóng nhãn mác để chuyển đến các khách hàng có nhu cầu khác nhau. Hoặc hàng hóa trước khi đưa ra cảng biển, sân bay, cửa khẩu đã thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm dịch thì khi đi qua biên giới sẽ rút ngắn được thời gian, giảm ùn tắc.
- Ông có thể chia sẻ một số định hướng phát triển ngành logistics Việt Nam trong năm 2022?
Trong năm 2022, chúng ta chuẩn bị rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong việc triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, qua đó chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2025 - 2035.
Chi phí logistics, đặc biệt là chi phí vận tải biển vẫn là vấn đề nóng. Do vậy, cần bám sát tình hình giá cước vận tải biển, kiểm tra, rà soát đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật về niêm yết, công khai giá; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí vận tải tăng cao.
Chúng ta đã có hệ thống chỉ tiêu thống kê về logistics, năm 2022 sẽ là năm đầu tiên thực hiện công tác thu thập, công bố dữ liệu thống kê về logistics đảm bảo chính xác, kịp thời.
Xin cảm ơn ông!