Đầu năm là giai đoạn tiêu thụ thấp điểm trên cả nước, do tính chất đặc thù của mùa vụ tại các khu vực đã bước vào giai đoạn thu hoạch, nên nhu cầu về phân bón không còn căng thẳng như trong quý 4/2021.
PVCFC điều tiết hài hoà tiêu thụ trong nước và xuất khẩu - ảnh minh hoạ
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022 toàn khu vực Nam bộ sẽ có tổng diện tích xuống giống là 1,6 triệu ha.
Tính đến ngày 7/2/2022, vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 ở các tỉnh phía Nam đã xuống giống được 1.577.691 ha/ 1,6 triệu ha kế hoạch, tăng 2 nghìn ha so với vụ Đông Xuân trước.
Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuống giống được 1,370 triệu ha/1,520 ha diện tích kế hoạch và đã thu hoạch được 186.296 ha, chiếm 13,59% diện tích xuống giống.
Nhu cầu phân bón cho các vụ sản xuất chính đang giảm xuống mức thấp nhất
Trong bối cảnh vụ Đông Xuân 2021 – 2022 đang bước vào giai đoạn thấp điểm, nhu cầu phân bón trong nước chạm mốc thấp nhất trong quý I/2022, dự đoán tiếp tục giảm trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã chủ động xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế. Đây là giải pháp phù hợp để điều tiết hài hòa giữa hoạt động tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp duy trì sản xuất liên tục và giảm tồn kho, dư thừa nguồn cung nội địa.
Đầu năm 2022 là giai đoạn tiêu thụ thấp điểm trên cả nước, do tính chất đặc thù của mùa vụ tại các khu vực đã bước vào giai đoạn thu hoạch, nên nhu cầu về phân bón không còn căng thẳng như trong quý 4/2021.
Cụ thể, tại khu vực Tây Nam Bộ, nhiều diện tích lúa đã trổ chín còn tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cà phê đã bước vào giai đoạn thu hoạch và hồ tiêu cũng sắp kết thúc vụ thu hoạch. Tại một số địa phương phía Bắc và các tỉnh miền Trung, nhu cầu tiêu thụ không còn lớn như tại thời điểm trước.
Nhìn chung, lực cầu về phân bón trên toàn quốc yếu đi trong khi nguồn cung dồi dào từ các thương hiệu phân bón lớn trong nước, khiến áp lực bán hàng giảm tồn kho sản phẩm trở nên rất cao, buộc các doanh nghiệp phải tìm ra thị trường quốc tế có nhu cầu mua để tiêu thụ.
Chủ động xuất khẩu trong tình trạng “dư cung” nội địa và chuẩn bị hàng hoá phục vụ Hè Thu 2022
Trong bối cảnh tình hình tiêu thụ phân bón trong nước ảm đạm, Phân Bón Cà Mau đã chủ động lên kế hoạch xuất khẩu để điều tiết hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo kế hoạch, Phân bón Cà Mau sẽ xuất khẩu khoảng hơn 100.000 tấn phân bón Urê sang một số thị trường tiềm năng ở Châu Á, Châu Mỹ.
Việc xuất khẩu phân bón trong giai đoạn thấp điểm giúp giải phóng lượng cung trong nước, nâng cao hình ảnh thương hiệu Phân bón Cà Mau trong mắt bạn hàng nước ngoài, đồng thời duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định, củng cố mục tiêu chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.
Phân bón Cà Mau nỗ lực hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng
Đồng thời, với việc giảm tồn kho giai đoạn thấp vụ, thì việc chuẩn bị nguồn hàng cho nhu cầu tiêu thụ vụ Hè Thu tới đây bắt đầu từ cuối quí 1/2022 của thị trường trong nước đã được Phân bón Cà mau chuẩn bị đủ về lượng và đa dạng chủng loại: từ ure hạt đục, NPK, Kali, DAP.. đến Hữu Cơ Vi sinh….,
“Bên cạnh đó, Phân bón Cà Mau đã và đang nỗ lực hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng với hàng loạt các dòng sản phẩm chất lượng cao như: NPK Cà Mau, Phân bón hữu cơ cao cấp OM CAMAU và các sản phẩm phân đơn với nhiều ưu điểm vượt trội.
Giữ trọn sứ mệnh là ‘người nuôi dưỡng’, Phân bón Cà Mau không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn là thương hiệu cùng đồng hành với bà con nông dân trong việc nuôi dưỡng cây trồng, nâng cao giá trị nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, sẵn sàng phụng sự để phát triển”, đại diện Phân bón Cà Mau chia sẻ.
Xuất nhập khẩu phân bón các loại đều tăng mạnh so với cùng kỳ
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022 xuất khẩu phân bón của cả nước đạt 226.155 tấn, trị giá 171,699 triệu USD, so với tháng 12/2021 tăng 51,5% về lượng và tăng 70,1% về kim ngạch. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 78,6% về lượng và tăng 349,5% về giá trị.
Năm 2021, cả nước xuất khẩu trên 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 559,35 triệu USD, giá trung bình đạt 413,4 USD/tấn, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch và giá tăng 41,2% so với năm 2020.
Campuchia là thị trường xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 544.443 tấn, tương đương trên 209,18 triệu USD, giá trung bình 384,2 USD/tấn, tăng 29,2% về lượng, tăng 59% về kim ngạch và tăng 23,2% về giá so với năm 2020.
Riêng tháng 12/2021 xuất khẩu phân bón sang thị trường Campuchia đạt 37.360 tấn, tương đương 16,52 triệu USD, giá trung bình 442,3 USD/tấn. So với tháng 12/2020 giảm 16% về lượng, nhưng tăng 20,5% kim ngạch và giá tăng 43,5%.
Kế đến là thị trường Hàn Quốc đạt 97.789 tấn, tương đương 70,84 triệu USD, giá trung bình 724,4 USD/tấn, tăng mạnh 379% về lượng, tăng 2.001% về kim ngạch và tăng 338,7% về giá so với năm 2020.
Xuất khẩu phân bón sang thị trường Malaysia đạt 106.917 tấn, tương đương 36,16 triệu USD, tăng 14,3% về khối lượng và tăng 97,6% về kim ngạch; Xuất khẩu sang thị trường Philippines 61.385 tấn, tương đương 26,03 triệu USD, tăng 242,4% về khối lượng, tăng 401,6% về kim ngạch so với năm 2020.
Ở chiều ngược lại, tháng 1/2022 nhập khẩu đạt 322.731 tấn phân bón, tương đương 153,61 triệu USD, giảm 14,5% về lượng, giảm 6% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, nhưng tăng 0,2% về lượng và tăng mạnh 81,7% về kim ngạch so với tháng 1/2021. Giá nhập khẩu tháng 1/2022 đạt trung bình 476 USD/tấn.
Phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc chiếm 42,6% trong tổng lượng nhập khẩu và chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch, đạt 137.430 tấn, với 57,57 triệu USD, so với tháng 1/2021 tăng 15,6% về lượng, tăng mạnh 87,7% về kim ngạch và tăng 62,3% về giá.
Kế đến là thị trường Nga với 53.773 tấn phân bón, trị giá 29,64 triệu USD, giá 551,2 USD/tấn, chiếm 16,7% trong tổng lượng và chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch.
Đáng chú ý, nhập khẩu phân bón từ Belarus tăng rất mạnh 4.180% về lượng, tăng 6.106% về kim ngạch và tăng 45% về giá so với tháng 12/2021, đạt 30.815 tấn, trị giá 18,77 triệu USD, chiếm 9,6% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch. Nhập khẩu phân bón từ Israel cũng tăng rất mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021.
Nhìn chung, nhập khẩu phân bón trong tháng 1/2022 từ hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.