Dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, song giá cổ phiếu dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu.
Lập đỉnh 7 năm
Từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, giá dầu Brent đã tăng khoảng 11 USD/thùng và tiếp tục tăng mạnh kể từ đầu tháng 2 khi được củng cố bởi những lo ngại về nguồn cung, lạm phát gia tăng và đặc biệt, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng đã góp phần đẩy giá lên cao. Tính đến ngày 18/2/2022, giá dầu Brent đã đạt mức 91,28 USD/thùng, còn giá dầu WTI đạt 89,94 USD/thùng, tăng lần lượt 16% và 18% so với hồi đầu năm. Và nếu so sánh với phiên 4/1/2021, dầu Brent đã tăng 79% còn dầu WTI cũng tăng đến 89%.
Trong phiên 14/2/2022, giá dầu Brent từng có thời điểm chạm 96,78 USD/thùng, WTI cũng tăng lên 95,82 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Trong các nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hoá cơ bản, cổ phiếu dầu khí được đánh giá là "nhạy" với giá dầu thế giới nhất.
Với những biến động của giá dầu trên thị trường, doanh nghiệp dầu khí trung nguồn và hạ nguồn được cho là nhạy cảm hơn. Chẳng hạn, với
BSR, do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy luôn phải duy trì tồn kho lớn, dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm tăng thì biên lợi nhuận tăng. Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như
PLX,
OIL cũng có diễn biến tương tự.
Đối với nhóm doanh nghiệp phân phối khí như
GAS,
PGS, CNG…, doanh thu cũng sẽ ảnh hưởng tích cực khi giá bán khí có sự tham chiếu theo giá dầu thế giới.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp thượng nguồn như
PVS,
PVD,
PVB hay
PXS, được đánh giá ít chịu ảnh hưởng hơn trong ngắn hạn, do các hợp đồng dài hạn hơn và việc khởi động, tạm ngưng các dự án dầu khí thường ảnh hưởng bởi xu hướng dài hạn của giá dầu.
Còn đối với doanh nghiệp vận tải như
PVT, giá dầu biến động sẽ không ảnh hưởng trực tiếp khi các tàu chủ yếu là thuê định hạn (time charter) với chi phí nhiên liệu được trả bởi khách hàng.
Điều này đồng pha với diễn biến của cổ phiếu họ “P” trên sàn chứng khoán. Có thể kể đến một số cổ phiếu trung và hạ nguồn như
GAS đã tăng 22% lên 118.000 đồng/CP trong 2 tháng đầu năm 2022 hay cổ phiếu
PLX với mức tăng 11% và đạt 59.800 đồng/CP (phiên 18/2/2022). Còn ở nhóm thượng nguồn như
PVS,
PVD cũng tăng trong khoảng 5% từ đầu năm đến nay, nhưng nếu so sánh trong dài hạn từ phiên 2/1/2020 đến nay, 2 mã này đã tăng hơn 55% giá trị.
"Nước lên, thuyền lên"
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích Agriseco cho biết, tùy thuộc vào vị trí trong chuỗi giá trị ngành mà mức độ và thời gian tác động của giá dầu tới hoạt động của doanh nghiệp là khác nhau. Bên cạnh các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp có thể nhìn ra ngay lập tức như
PLX,
OIL, thì một số doanh nghiệp thượng nguồn như
PVD đáng để theo dõi khi giá dầu neo ở mức cao trong thời gian dài sẽ đẩy mạnh đầu tư vào khoan khai thác.
Dẫu vậy, chuyên gia Agriseco lưu ý rằng nhà đầu tư quan tâm tới nhóm cổ phiếu này không chỉ nên theo dõi diễn biến giá dầu mà còn chính sách, tình hình chính trị trên thế giới. Giá dầu năm 2022 sẽ phụ thuộc vào khả năng cung ứng sản lượng của nhóm OPEC, tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng từ sản xuất và vận tải sau khi phục hồi sau đại dịch và các rủi ro địa chính trị trên thế giới.
Cụ thể, ông Khoa phân tích, tại cuộc họp gần đây nhất, OPEC đã thông báo giữ nguyên kế hoạch chỉ tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Dù không mang thông điệp mới nhưng thông tin này đặt ra câu hỏi về khả năng đáp ứng sản lượng của OPEC do giảm sản lượng khai thác trong thời gian dài bởi đại dịch. Điều đó có thể khiến giá dầu neo ở mức trên 90 USD/thùng trong năm nay trước khi cung cầu được cân bằng trở lại ở các năm tới.
“Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu thô có thể vượt 100 USD/thùng và tiến tới mức đỉnh lịch sử 120 USD/thùng như năm 2014. Tuy nhiên tôi cho rằng khả năng này khó xảy ra khi các quốc gia lớn như Mỹ, Trung sẽ có những hành động để kiềm chế đà tăng quá nóng có thể làm tăng nguy cơ lạm phát tới nền kinh tế”, ông Khoa cho biết.
Về phần mình, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) đánh giá đa số cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí vẫn chưa đạt được mức đỉnh trong năm 2021, do vậy, nhóm này có thể tiếp tục đi lên theo hướng dích dắc.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta cho rằng năm nay, mặt bằng giá dầu đang rất cao, điều này có thể kích thích sản lượng dầu của các doanh nghiệp khai thác, trong đó nhóm dịch vụ dầu khí sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, bối cảnh chính trị căng thẳng cũng sẽ tạo ra sức ép khiến giá dầu tăng, từ đó có thể kỳ vọng vào đà tăng của nhóm ngành này.
Trong báo cáo mới công bố, VNDirect nhận định việc khởi công dự án trọng điểm Lô B - Ô Môn với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam, củng cố nền tảng cơ bản của ngành và thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí trong thời gian tới.
Theo quan điểm của VNDirect, các công ty hàng đầu trong ngành có nhiều cơ hội để tham gia và hưởng lợi từ dự án Lô B, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn như
PVS và
PVD. Bên cạnh đó, với tư cách là nhà đầu tư chủ chốt cho đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (chiếm 51% tổng mức đầu tư),
GAS cũng sẽ là đơn vị hưởng lợi chính từ dự án này nhờ vào nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí.
Tương tự, trong báo cáo phân tích của mình, SSI Research cũng nhấn mạnh đến siêu dự án Lô B khi dự báo dự án này sẽ khởi công vào 2022-2023, từ đó dự báo
GAS,
PVD và
PVS là những công ty hưởng lợi từ năm 2023.
Năm 2022, SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận ngành dầu khí đạt 20,6%, nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch COVID (2019). Động lực tăng trưởng chính cho ngành là
PVD (+503%),
PLC (+41%),
PLX (+25%) và
GAS (+16%). Trong đó tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của
PVD đến từ mức so sánh khá thấp trong 2021, trong khi
GAS và
PLX ước tính hồi phục sản lượng trong 2022.
“Định giá một số cổ phiếu sẽ đạt mức đỉnh lịch sử (như
PLC,
BSR,
PVT,
PVS), nhờ tăng trưởng lợi nhuận và đà phục hồi mạnh mẽ (trừ
PVS). Đối với một số công ty vốn hóa lớn như
GAS và
PLX, định giá vẫn duy trì trong ngưỡng định giá trong quá khứ”, SSI Research dự báo.
Tuy nhiên, SSI Research nhấn mạnh các biến động giảm của giá dầu sẽ là rủi ro chính với các ước tính trên bởi giá dầu luôn nhạy cảm với tin tức biến thể COVID-19 mới, do đó vẫn còn rủi ro từ đại dịch tới giá dầu.
Cùng quan điểm, MBS cũng đưa ra triển vọng tích cực với ngành dầu khí trong năm 2022 khi giá dầu tiếp tục neo cao. Tiến độ các dự án thăm dò khai thác được thúc đẩy nhanh hơn (Lô B, đường ống Lô B-Ô môn, Nam Du U minh)… sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp dầu khí niêm yết, từ đó tạo động lực cho đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới.