Trong khi nhiều ngân hàng thương mại vẫn “lãi đậm” trong năm 2021 dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) lại rơi vào vòng xoáy khó khăn.
Mặc dù đã mạnh tay tái cấu trúc nhân sự và hoạt động, song Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vẫn tiếp tục lỗ trong quý 4/2021.
Lợi nhuận của NCB có xu hướng giảm dần.
Lỗ ăn mòn hết lãi
NCB vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021. Theo đó, thu nhập lãi thuần của NCB đạt 171,1 tỷ đồng, giảm 71,5% so với quý IV/2020. Ngân hàng tiếp tục báo lỗ 21,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Đáng chý ý, NCB đã dành ra 326,1 tỷ đồng xử lý các khoản theo phương án tái cơ cấu đã trình NHNN. Đây là nguyên nhân chính khiến ngân hàng lỗ quý IV/2021 lên đến 163 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu 2020, NCB cũng lỗ ròng 19,9 tỷ đồng).
Có thể nói, những khoản lỗ kể trên đã “ăn mòn” gần hết lãi mà NCB tích lũy trong 3 quý trước đó trong năm 2021. Tính ra, NCB lãi lũy kế năm 2021 chỉ vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2020.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng vào cuối quý IV/2021 ở mức 3%, tăng mạnh so với con số 1,9% cuối quý III/2021. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn lên tới 603 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với quý liền kề...
Thách thức nâng vốn điều lệ
Cuối năm 2021, UBCK Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho NCB. Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu chào bán 150 triệu cổ phiếu NCB và NCB dự kiến thu về 1.500 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ. Tính đến thời điểm này, vốn điều lệ của NCB hơn 4.000 tỷ đồng- thấp nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
1,4 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 của NCB, chỉ tăng 16,6% so với năm 2020.
NCB dự kiến sẽ sử dụng phần vốn tăng thêm nói trên cho đầu tư vào công nghệ; phát triển các dự án digital banking; đầu tư cho việc thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu; mở rộng hoạt động kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn đối với một số khách hàng chiến lược và khách hàng cá nhân cao cấp…
Tuy nhiên theo các chuyên gia, với tình hình thị trường có nhiều biến động như hiện nay, cộng với kinh doanh lỗ, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn của NCB sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khó trăm bề
Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện có hơn 30 ngân hàng, trong đó riêng nhóm Big 4 ngân hàng có vốn Nhà nước đã chiếm tới khoảng một nửa tài sản của cả hệ thống. Hoạt động kinh doanh của nhóm Big4 này ảnh hưởng và chi phối rất nhiều tới hoạt động cả ngành ngân hàng. Nhóm các ngân hàng cổ phần tầm trung đang nỗ lực vượt lên, trong khi có hơn 10 ngân hàng cổ phần nhỏ có tổng tài sản dưới 100 nghìn tỷ đồng vẫn đang trên con đường khẳng định vị thế nhưng gặp vô vàn khó khăn để cạnh tranh, trong đó có NCB.
Trên thực tế, ngân hàng nhỏ chỉ có tổng cộng chưa đến 100 chi nhánh, phòng giao dịch, và cũng không thể phủ rộng khắp các tỉnh, thành. Thậm chí ngay cả ở các thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, để tìm kiếm các điểm giao dịch của các ngân hàng nhỏ cũng không phải dễ dàng.
Hơn nữa, theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, lãi suất liên ngân hàng năm 2021 duy trì ở mức khá thấp, nhưng các ngân hàng nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu rất khó khăn để tiếp cận dòng vốn giá rẻ này, buộc phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi từ dân cư. Điều này đã bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ.