Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán phố Wall giảm điểm khi mà khả năng các nước phương Tây áp quy định trừng phạt Nga về những xung đột với Ukraina lớn dần.
Ảnh: GettyImages
Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng đóng cửa ở mức cao nhất trong gần 9 tháng sau đó hạ nhiệt khi mà nhà đầu tư chờ đợi diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Ukraina, giá vàng đã có lúc vượt xa ngưỡng tâm lý quan trọng 1.900USD/ounce.
Đóng cửa phiên, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 0,2% xuống 1.902,7USD/ounce. Trong phiên đã có lúc giá vàng lên cao nhất 1.913,89USD/ounce. Giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng 0,4% lên 1.907,4USD/ounce.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán phố Wall giảm điểm khi mà khả năng các nước phương Tây áp quy định trừng phạt Nga về những xung đột với Ukraina lớn dần, nhà đầu tư trở nên vô cùng thận trọng còn giá dầu lên ngưỡng cao nhất từ năm 2014.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể chặn Nga tiếp cận với nhiều hàng hóa công nghệ cao của Mỹ hoặc của các nước khác trong trường hợp Nga tiếp tục các hoạt động quân sự chống Ukraina, theo những nguồn tin từ vụ việc.
“Thực sự không ngạc nhiên khi chứng kiến giá vàng được hỗ trợ rất nhiều trong bối cảnh môi trường hiện tại bởi xét đến vai trò công cụ đầu tư an toàn cuarnos”, giám đốc bộ phận kinh doanh kim loại tại quỹ High Ridge Futures – ông David Meger cho hay.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát cho đến nay vốn là một yếu tố quan trọng tác động đến giá vàng trong vài tuần gần đây, việc nâng lãi suất có thể sẽ không áp đảo đi xu thế này, ông Meger phân tích.
Vàng vốn được coi như công cụ phòng ngừa lạm phát và những rủi ro chính trị. Tuy nhiên, việc nâng lãi suất cơ bản đồng USD của Fed thông thường sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, bởi bản thân việc nắm giữ vàng không mang lại lợi suất.
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc giá vàng hạ nhẹ mới đây có nguyên nhân trực tiếp từ hành vi chốt lời. Chuyên gia thuộc ngân hàng Saxo, ông Ole Hansen, khẳng định rằng quan điểm của nhà đầu tư đã phản ánh vào giá vàng từ trước đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine gồm Donetsk và Lugansk, đồng thời ông cũng ký thỏa thuận hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. "Tôi cho rằng cần đưa ra quyết định đáng lẽ phải diễn ra từ lâu, đó là lập tức công nhận độc lập, chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk", ông nói.
Theo biên bản thỏa thuận, Nga sẽ có quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Donetsk và Lugansk. Tổng thống Putin cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới hai khu vực này để "gìn giữ hòa bình", nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm lực lượng này bắt đầu nhiệm vụ.
Vào đêm ngày thứ Hai, Nhà Trắng lập tức phản ứng với quyết định công nhận độc lập cho hai vùng ly khai miền Đông Ukraina từ phía Nga bằng việc áp dụng tức thời biện pháp trừng phạt với khu vực này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ra quyết định cấm hoạt động đầu tư mới, thương mại và tài chính của các doanh nghiệp và cá nhân Mỹ với hai nước được gọi tên là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố: “Để nói cho rõ ràng, các biện pháp trên hoàn toàn riêng biệt và nó sẽ được áp dụng bổ sung vào các biện pháp kinh tế mà chúng tôi đã chuẩn bị triển khai cùng với các nước đồng minh và đối tác nếu Nga tiếp tục chuẩn bị tấn công quân sự Ukraina”.