Một nhịp bán tháo nhẹ ngay đầu phiên chiều đã đẩy VN-Index rơi 2,55% so với tham chiếu trước khi có cầu bắt đáy vào kéo dần lên. Đến cuối phiên chỉ số chỉ còn giảm 1,15% và giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết tới trên 38,9 ngàn tỷ đồng...
Một nhịp bán tháo nhẹ ngay đầu phiên chiều đã đẩy VN-Index rơi 2,55% so với tham chiếu trước khi có cầu bắt đáy vào kéo dần lên. Đến cuối phiên chỉ số chỉ còn giảm 1,15% và giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết tới trên 38,9 ngàn tỷ đồng.
Thị trường thế giới không khả quan lên chút nào trong phiên chiều. Chứng khoán châu Âu mở cửa rơi trên 3%, thị trường tương lai chứng khoán Mỹ duy trì giảm trên 2% toàn thời gian khi Việt Nam còn giao dịch... Tuy nhiên thị trường trong nước lại phục hồi khá tốt.
Cổ phiếu sàn HoSE chiều nay chỉ le lói sắc xanh giữa biển màu đỏ.
Phải khẳng định là thị trường Việt Nam chỉ phục hồi thoát đáy trong tư thế giảm. Độ rộng cuối ngày của VN-Index chỉ là 75 mã tăng/396 mã giảm, trong đó 182 mã giảm trên 2%, 80 mã giảm trên 1%. Cả độ rộng lẫn cường độ giảm này đều thể hiện thị trường yếu hơn phiên sáng.
Tuy nhiên trạng thái hoảng loạn cũng không kéo dài. Nhịp giảm sâu nhất là vài phút khi thị trường mở cửa trở lại. VN-Index sập xuống 1.473,76 điểm, xấp xỉ đáy phiên điều chỉnh ngày 14/2 vừa qua. Từ đáy này, chỉ số hồi trở lại nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảnh giảm sâu vì không có mã nào dẫn dắt.
Dầu khí dĩ nhiên vẫn mạnh, nhưng tính dẫn dắt chỉ số chỉ tụ lại ở GAS và PLX. Hai mã này lại có phần yếu buổi chiều. GAS ngay đầu phiên chiều vọt tăng mạnh nhất 4,7% nhưng rồi lại trượt xuống và đóng cửa chỉ còn tăng 1,71% so với tham chiếu. So với mức tăng 2,14% cuối phiên sáng thì GAS đã yếu đi. PLX cũng vậy, bùng lên cực mạnh vài phút đầu tiên, tăng tới 5,44% nhưng cuối phiên co lại còn tăng 1,44%...
Nếu như cổ dầu khí đã không thể dẫn dắt thì sẽ không mã nào khác làm được trong chiều nay, vì tất cả đều giảm. VPB tăng 2,79% cuối ngày phần lớn nhờ cú đẩy đợt ATC. MSN tăng 1,46%, BVH tăng 2,43%. Đó là tất cả những gì có được trong nhóm blue-chips VN30. 25 cổ phiếu còn lại sụt giảm, trong đó 20 mã giảm trên 1%.
Những trụ lớn nhất giảm sâu là VIC giảm 2,91%, VCB giảm 1,84%, VNM giảm 1,75%, CTG giảm 2,87%, BID giảm 2,19%, TCB giảm 2,32%, VRE giảm 2,58%...
VN30-Index cho thấy nhóm blue-chips không thể nào giữ nhịp nổi.
Điểm thú vị là thị trường bị bán rất mạnh, cổ phiếu giảm sâu hàng loạt nhưng vẫn có 12 mã tăng kịch trần. Hai trong số này thậm chí còn lọt vào Top 10 thanh khoản toàn thị trường hôm nay, là DXG với 992,1 tỷ đồng và DPM với 784,2 tỷ đồng. Nhóm tăng trần còn lại có thể kể tới DCM, FRT, ASP, AGM, PGC, BMC.
Với độ rộng ngày càng kém trong phiên chiều, không thể nói rằng thị trường phục hồi theo chiều tăng giá cổ phiếu. Đà phục hồi chỉ diễn ra trong trạng thái bớt giảm. Điều này có được là nhờ dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh, nhưng lực bán vẫn còn quá lớn. Chiều nay hai sàn niêm yết khớp tới 18.495 tỷ đồng nữa, trong đó 16.431 tỷ đồng thuộc về HoSE. Tổng giá trị khớp lệnh cả ngày vọt lên 38.902 tỷ đồng, tăng 58% so với hôm qua.
Đây là ngưỡng thanh khoản rất cao, dù so với một vài phiên đạt đỉnh cá biệt thì chưa bằng (kỷ lục khớp lệnh xấp xỉ 50 ngàn tỷ phiên ngày 19/11/2021), nhưng mức bình quân giao dịch khớp lệnh hai sàn của tuần lập kỷ lục cũng chỉ là gần 37,5 ngàn tỷ đồng mà thôi.
Với mức thanh khoản rất cao hôm nay, thị trường vẫn có dòng tiền dồi dào muốn bắt đáy. Tuy nhiên khác với các phiên bắt đáy trước, hôm nay rất ít cổ phiếu phục hồi thanh công qua tham chiếu, phần lớn vẫn giảm rất sâu. Như vậy nhà đầu tư bắt đáy vẫn còn trông đợi một mức giảm giá tốt hơn nữa.