"10 năm rồi, ngành dệt may luôn được khuyên rằng nên chuyển sang việc phát triển thương hiệu, phân phối thay vì dừng ở công đoạn gia công - cắt may. Nhưng đến nay, mọi quá trình phát triển dường như vẫn dậm chân tại chỗ, và câu hỏi bao giờ ngành dệt may thoát "kiếp" làm gia công dường như vẫn chưa có lời giải.
Đây là câu hỏi mà ông Huỳnh Thanh Điền, Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM nói rằng không phải bây giờ người ta mới đặt ra, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng. Theo đó, ông Điền cũng nêu ra quan điểm về nguyên nhân cụ thể về câu chuyện này.
Làm khâu giá trị gia tăng cao chưa chắc đã bán được hàng?
Chuỗi giá trị ngành dệt may bao gồm nhiều công đoạn như sợi, dệt nhuộm, cắt may, thương hiệu, phân phối.... Việt Nam lâu nay vẫn mạnh nhất về cắt may, một phần do chuỗi giá trị ngành may trên toàn cầu phân bổ rõ ràng, một số quốc gia có lợi thế về sợi, một số có lợi thế về dệt nhuộm, một số làm thương hiệu và phân phối sản phẩm, một số chuyên làm may.
Ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu mạnh ở công đoạn gia công.
Dẫn đến, nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia vào những phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thương hiệu, phân phối hay làm sợi, dệt nhuộm thì câu chuyện có thể đã khác. "Chúng ta cứ nói cần phải đầu tư nhà máy sợi hay dệt nhuộm nhưng với quy mô nhỏ, một khi đã đầu tư mà giá ở Việt Nam còn cao hơn nhập từ Trung Quốc thì chắc chắn khách hàng sẽ mua của Trung Quốc thay vì hàng nội địa. Điều này cho thấy, ngành may nên có góc nhìn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì chỉ đặt trong phạm vi một quốc gia", ông Điền nêu vấn đề.
Ông Điền cho rằng, ngành dệt may muốn phát triển cần đặt vấn đề doanh nghiệp dệt may thời gian tới nên tập trung vào dệt, vải, may, nhuộm hay phát triển thương hiệu. Phương thức xuất khẩu là gì? Sản phẩm nào là Việt Nam có lợi thế khi xuất khẩu. Từ đó, người làm chính sách cần có hỗ trợ gì để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đưa ngành này phát triển.
"Lâu nay, chúng ta cứ nói rằng cần hình thành chuỗi liên kết ngành bằng việc thành lập cụm công nghiệp, khu công nghiệp kết nối dệt may, nhưng ai đảm bảo rằng nằm trong một khu, các nhà máy có dùng nguyên liệu, sản phẩm của nhau. Trong kinh doanh, mọi quyết định đều được so sánh bằng giá cả, chất lượng", ông Điền chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Ngọc Anh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng các kiến nghị về chính sách của ngành cần đánh giá linh hoạt từ thực tiễn chứ không thể nói phát triển cụm công nghiệp một cách tổng hợp, mà phải căn cứ trên lợi thế cạnh tranh Việt Nam ra sao, để có đề xuất cụ thể cho doanh nghiệp, tận dụng năng lực hiện có của Việt Nam.
Theo bà Ngọc Anh, ngành dệt may cũng cần nhìn nhận lại hai năm COVID-19 vừa qua để tìm ra con đường cho tương lai. Theo đó, COVID-19 đang làm thay đổi đáng kể xu hướng tiêu dùng hàng may mặc. Xu hướng vải thân thiện với môi trường đang được ưa chuộng.
Con đường nào cho tương lai?
"Chúng ta cứ nói cần phải đầu tư nhà máy sợi hay dệt nhuộm, nhưng với quy mô nhỏ, một khi đã đầu tư mà giá ở Việt Nam còn cao hơn nhập từ Trung Quốc thì chắc chắn khách hàng sẽ mua của Trung Quốc thay vì hàng nội địa".
Ông Huỳnh Thanh Điền, Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM
Theo ông Trần Nghị, Việt kiều Phần Lan - một người am hiểu về ngành dệt may chia sẻ, thời gian qua, Hiệp định EVFTA có hiệu lực được đánh giá là cơ hội để đưa sản phẩm dệt may Việt Nam vào thị trường EU, song thẳng thắn mà nói sản phẩm may mặc Việt chưa xây dựng được thương hiệu. Đa số sản phẩm đều được dán mác của nhà phân phối, thương hiệu may mặc Việt Nam không có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Ông Nghị gợi ý, hiện nay xu hướng tiêu dùng sản phẩm dệt may của thế giới đã thay đổi, Việt Nam thậm chí có thể ứng dụng công nghệ để sử dụng các nguyên liệu như tre, bột gỗ... làm sản phẩm may mặc. "Tại sao đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào, còn bỏ phí mà chúng ta không thể tận dụng được", ông Nghị đặt vấn đề.
Ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), thẳng thắn đánh giá dệt may là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại ngoại tệ lớn cho đất nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu người. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành, ngành dệt may phát triển chưa bền vững, ẩn chứa nhiều rủi ro, chưa tạo được đột phá và thích ứng với hoàn cảnh mới, tận dụng thời cơ mới để phát triển bền vững.
Để xuất khẩu hàng dệt may vào bất cứ một thị trường nào đó, ông Thắng cho rằng phải hiểu rõ đối thủ cạnh tranh trên thị trường là ai, sự hơn thua của đối thủ cạnh tranh so với chúng ta là thế nào, đặc biệt là từng mã sản phẩm. Đồng thời, muốn xuất khẩu bền vững thì phải hiểu thị hiếu, sản phẩm phục vụ cho đối tượng tiêu dùng nào, có so sánh với khả năng cung cấp của từng dòng, từng mã sản phẩm xem mình đã đáp ứng phần nào, phần nào chưa đáp ứng.
Đặc biệt, chuyên gia Phạm Tất Thắng nhấn mạnh cần có nhìn khách quan trong bước chuyển từ nền sản xuất gia công sang xuất khẩu hàng made in Vietnam. Xây dựng thương hiệu hàng dệt may xuất khẩu. Cả thành công và thất bại của ngành dệt may Việt Nam trong 10 năm qua để tìm ra con đường cho tương lai?
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước dịch chuyển từ CMT lên FOB, ODM, OBM để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa, đồng thời hướng tới xuất khẩu.